06:50, 27/04/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

Quan điểm của Hồ Chí Minh về “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và chống chủ nghĩa cá nhân”

Quan điểm của Hồ Chí Minh về “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và chống chủ nghĩa cá nhân”
Quan điểm của Hồ Chí Minh về “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và chống chủ nghĩa cá nhân”
     Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, là người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam hiện đại - Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Là người đứng đầu một đảng cầm quyền và người đứng đầu Nhà nước, Người sớm nhận rõ được mối nguy hại của các tệ nạn gắn với Nhà nước, với người có chức có quyền, nhất là trong điều kiện người có chức có quyền lại là đảng viên của một đảng cách mạng vừa lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập cho Tổ quốc.
    Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm vấn đề phòng, chống tham ô, lãng phí. Người coi tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là giặc nội xâm, là kẻ thù của nhân dân, là “tội lỗi đê tiện nhất” trong xã hội. Vì vậy, cần phải nghiêm trị các hành vi tham nhũng. Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
    Người rất chú ý đến việc giáo dục cho cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, là người lãnh đạo Nhà nước Việt Nam dân chủ đầu tiên đề cập đến việc chống các bệnh quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí…Những bệnh này cũng có thể được Hồ Chí Minh diễn đạt trong một thuật ngữ cổ hơn đó là “bất liêm”, mà ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và chống chủ nghĩa cá nhân
     Thông qua định nghĩa chữ “Liêm”, Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm về tham nhũng: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, Người chỉ ra 2 biểu hiện trong 10 hành vi bất liêm của cán bộ đó là: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên; Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”. Biểu hiện của bệnh tham ô, theo Hồ Chí Minh, đó là “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét của dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư” là bất liêm, tức không trong sạch, tham lam mà ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng.
    Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”(1)
      Những cách được coi là lãng phí:
     Lãng phí sức lao động: Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người. Trong quân đội, các cơ quan, các xí nghiệp đều có khuyết điểm ấy. Trong việc sửa chữa đường cầu, phục vụ chiến dịch, lãng phí dân công khá nhiều, vì tổ chức không khéo - đó là một thí dụ.
     Lãng phí thời giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Thí dụ: Những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến tận mấy ngày.
     Lãng phí tiền của: Có rất nhiều hình thức, thí dụ: Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm; các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý; Cục vận tải giữ gìn xe cộ, tiết kiệm dầu mỡ không triệt để; Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất; Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn, v.v…
     Tóm lại, tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô.
    Quan niệm về quan liêu - nguồn gốc sinh ra tham nhũng, lãng phí
    Để tìm rõ nguồn gốc và bản chất của tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt câu hỏi: “Vì đâu mà có lãng phí và tham ô?”(2). Người chỉ ra, tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra: “Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách… Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí”(3); “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn…”(4). Người còn chỉ rõ: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”(5).
    Từ kinh nghiệm thực tế, Người khẳng định: “…bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. “Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc chắn có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu”(6)
     Các biện pháp, cách thức, quy trình đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên với một tư duy biện chứng, sâu sắc, toàn diện và nhân văn. Người cho rằng: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt, loại bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”(7). Theo Người, chữa trị căn bệnh tha hóa, biến chất, những bệnh tật trong cơ thể người cán bộ, đảng viên, phải có những thang thuốc đặc trị, phải có tinh thần kiên quyết, kịp thời, “Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khỏe thêm”(8). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh để ngăn chặn, đẩy lùi tham ô, lãng phí, quan liêu, cần phải có những biện pháp, giải pháp đồng bộ và quyết tâm rất cao, vì đây là cuộc chiến đấu khổng lồ, rất nặng nề, phức tạp chống lại cái cũ kỹ, hư hỏng. Tựu trung, Người nêu các giải pháp chính sau đây: 
      Một là: nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân
      Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao đạo đức Cách mạng là biện pháp hàng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Người cho rằng, trước hết phải đánh thông tư tưởng: “Phải khai hội đủ mặt mọi người trong cơ quan, đơn vị, trường học, v.v.. để giải thích rõ ràng, nói đi nói lại, cho mọi người đều hiểu: tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân cho nước thế nào? Vì sao phải chống những nạn ấy”(9).
      Hồ Chí Minh cho rằng, thói quen và truyền thống lạc hậu là một trong những nguyên nhân dẫn tới tệ tham nhũng, ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Người cho rằng, nhân dân sống trong chế độ cũ, ảnh hưởng bởi tư tưởng lạc hậu sẽ tồn tại những tàn dư tư tưởng thủ cựu, lỗi thời. Trong cuộc sống hàng ngày, những hiện tượng tốt, xấu, đúng, sai, có đạo đức và vô đạo đức vẫn tồn tại, đan xen nhau, đối chọi nhau. Vì vậy, muốn xây phải gắn liền với chống, chống nhằm mục tiêu xây nhưng lấy xây làm chính. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng, toàn dân phải nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật.
      Xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới, bằng việc nêu gương người tốt, việc tốt; những tấm gương đạo đức trong sáng xuất hiện trong cuộc sống và bằng việc khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh, để mỗi người tự giác với trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.
      Hai là: chú trọng công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý
      Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, muốn chống tham nhũng có hiệu quả cần phải làm tốt công tác cán bộ, từ việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng... 
      Khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý phải dân chủ, công khai và đủ các tiêu chuẩn đề ra, trong đó tiêu chuẩn về đạo đức Cách mạng là quan trọng nhất. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặch kém. Vì thế, điều kiện tiên quyết để đưa sự nghiệp Cách mạng đi tới thắng lợi là phải có cán bộ tốt. Cán bộ là yếu tố quyết định chất lượng của đường lối, chính sách, đặc biệt là vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chính sách.
      Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ chỉ có đạo đức trong sáng cùng lòng nhiệt tình, hăng hái sẵn sàng hy sinh thôi thì chưa đủ, mà còn phải có năng lực, trí tuệ, biết nhận thức và vận dụng đúng đắn những quy luật của tự nhiên và xã hội vào hoạt động thực tiễn của mình. Năng lực đầu tiên mà Hồ Chí Minh đòi hỏi ở người cán bộ cách mạng là năng lực lãnh đạo, quản lý, là khả năng tổ chức động viên quần chúng thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
      Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có phong cách làm việc dân chủ, tập thể. Đây là đặc trưng phản ánh nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Người cán bộ cần luôn gắn với tổ chức đảng và có trọng trách trong tập thể lãnh đạo. Cán bộ phải có tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao. Khi người cán bộ có ý thức và phong cách làm việc tập thể, biết tạo ra bầu không khí dân chủ, biết lắng nghe ý kiến tập thể thì sẽ huy động được sức mạnh tập thể.
      Ba là: phải công khai, dân chủ, có khen thưởng, có kỷ luật
     Công khai, dân chủ là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng. Chế độ mà chúng ta lựa chọn và xây dựng là chế độ dân chủ. Thực hiện tốt dân chủ và công khai sẽ tạo dựng được khối đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, đồng thời sẽ tạo môi trường tốt để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng.
     Cùng với cơ chế công khai, dân chủ, Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề khen thưởng, kỷ luật công minh. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Hồ Chí Minh khẳng định: “Những ai đã lầm đường mà nay biết hối cải thì sẽ được khoan thứ. Những người đã có công thì sẽ được khen thưởng”(10), và “Ai có lỗi mà không thật thà nói ra, sẽ bị kỷ luật. Ai ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình, sẽ bị kỷ luật”(11).
       Trong bất kỳ cơ quan, đơn vị nào, từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, nếu thực hiện nghiêm túc cơ chế công khai, dân chủ, khen thưởng, kỷ luật công minh thì chắc chắn sẽ ngăn chặn, phòng ngừa và đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí. Nếu tất cả cán bộ, đảng viên đều thực sự làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, làm việc với động cơ đúng đắn thì sẽ đẩy lùi được chủ nghĩa cá nhân.
        Bốn là: thực hiện tự phê bình và phê bình
       Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ và nhân dân ta muốn chống tham ô, lãng phí thì phải thực hiện tự phê bình và phê bình: “Chính phủ và Đoàn thể hết sức chống bệnh quan liêu, chống tham ô, chống lãng phí. Tất cả mọi người đều phải trông thấy ai sai thì phê bình. Phê bình để sửa chữa, để tiến bộ. Không phê bình là tự làm mất quyền dân chủ”(12).
      Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, như việc rửa mặt hàng ngày và tạo thành phong trào rộng rãi chống lại nạn tham ô, lãng phí. Đồng thời, Người cũng lưu ý trong quá trình tự phê bình và phê bình phải thành thật. Thường là việc nhận ra khuyết điểm của bản thân mình, của tổ chức mình không dễ dàng, do đó tự phê bình thường khó hơn việc phê bình. Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người không được “giấu bệnh, sợ thuốc”, nó sẽ giúp cho việc tự phê bình và phê bình có kết quả tốt.
      Hồ Chí Minh chỉ rõ, khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải trung thực, không “đặt điều”, “không thêm bớt”. Tự phê bình và phê bình phải kiên quyết, không nể nang, phải dựa vào sự thực, phải đào tận gốc rễ những khuyết điểm. Không nên thoa vẽ, che giấu. Không nên “ít thít ra nhiều”, càng không nên nói việc nhỏ bỏ việc lớn, nói việc cũ quên việc mới.
      Tự phê bình và phê bình “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; tự phê bình và phê bình phải thấm nhuần những chuẩn mực của văn hóa ứng xử giữa con người với con người, hơn nữa ở đây là giữa những đảng viên với nhau - những người đồng chí, cùng nhau phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
      Chính vì vậy, khi nhận được thông tin từ cơ sở về việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Bác nhận được nhiều thư trong bộ đội gửi lại, hoặc trong chỉnh huấn gửi tới, tự phê bình là có tham ô lãng phí và xin hứa sửa chữa. Chắc rằng trong bộ đội, cơ quan còn có người tham ô lãng phí mà chưa tự phê bình”(13).
      Đặc biệt là, ở Công trường đá Sơn Tây, 551 thanh niên làm việc tại đây đã báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thành tích tiết kiệm, tăng năng suất, tính ra tiền là 6 triệu 41 vạn 8900 đồng; đồng thời, tự phê bình về những tham ô, lãng phí, làm thiệt hại công quỹ 3 triệu đồng. Người đã viết Thư gửi thanh niên Công trường đá Sơn Tây với nội dung:
       “Thân ái gửi các cháu nam nữ thanh niên công trường đá Sơn Tây,
       Bác đã nhận được báo cáo của các cháu,
       Các cháu đã cố gắng tăng năng suất và tiết kiệm. Kết quả tính ra tiền là hơn 6 triệu đồng.
       Thế là tốt.
       Nhưng đồng thời các cháu còn phạm khuyết điểm tham ô, lãng phí, tính ra tiền là độ 3 triệu đồng. Thế là khác nào các cháu đã tự làm hỏng một nửa thành tích của mình!
       Bác mong các cháu từ nay thi đua làm đúng những lời hứa hẹn trong báo cáo, tức là:
       - Nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, Nam cũng như Bắc.
       - Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thi đua tăng năng suất và tiết kiệm.
       - Nâng cao cảnh giác, chống tham ô, lãng phí”(14).
      Như vậy, để chống tham ô, lãng phí có hiệu quả, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình để sớm phát hiện những hành vi tham ô, tư lợi, đi ngược lại với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân.
      Năm là: xây dựng cơ chế chống tham ô, lãng phí
      Ngày 26 -1 -1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Quốc lệnh quy định cụ thể 10 điều thưởng và 10 điều phạt, cho quân và dân biết rõ những điều nên tránh, những việc nên làm. Trong đó điều phạt thứ 8 đã quy định: Trộm cắp của công sẽ bị xử tử.
      Khi trả lời phỏng vấn của đại biểu Quốc hội khóa I trong phiên họp ngày 30 -10 -1946, Hồ Chí Minh đã tuyên bố sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ - đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết.
      Để đấu tranh có hiệu quả chống tham ô, lãng phí, trong khi đang ráo riết chỉ đạo công cuộc chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 23 -11 -1946, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64 - SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Sắc lệnh đã ghi rõ Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền nhận các đơn khiếu nại của nhân dân; điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các Ủy ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát; đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Ủy ban nhân dân hay Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Tòa án đặc biệt. Ban Thanh tra có thể truy tố cả các việc đã xảy ra trước ngày ban bố Sắc lệnh này. Ban Thanh tra có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi trong các cơ quan.
      Sắc lệnh cũng quy định về thành lập Tòa án đặc biệt để xét xử những nhân viên của các Ủy ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do Ban Thanh tra truy tố. Tòa án đặc biệt có toàn quyền định ấn, có thể tuyên án tử hình. Những án tuyên lên sẽ thi hành trong 48 giờ.
       Đến ngày 18 -12 -1949, Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh số 138B-SL về tổ chức Thanh tra Chính phủ quy định rõ thêm chức năng thanh tra cả Ủy ban Kháng chiến - Hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết. Như vậy, ngay từ những ngày đầu lãnh đạo chính quyền và trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, Hồ Chí Minh đã rất quan tâm xây dựng và phát triển Nhà nước cách mạng Việt Nam, để phục vụ cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, việc thành lập một tổ chức chuyên trách đặc biệt chống tham ô thể hiện quyết tâm lớn của Người.
       Sáu là: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
       Trong công tác kiểm tra, giám sát cần phải có trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, mục đích kiểm tra là xem xét các vấn đề phát sinh để phát hiện ưu điểm mà phát huy, những khuyết điểm mà khắc phục, sửa chữa. Kiểm tra là công việc thường xuyên, hàng ngày của lãnh đạo. Người coi công tác kiểm tra như “ngọn đèn pha” giúp người lãnh đạo: “Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ”(15).
       Về cách thức kiểm tra, Hồ Chí Minh nhấn mạnh hai vấn đề:
      Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải biết tự kiểm tra, tự kiểm soát hành vi, công việc của chính mình thông qua tự phê bình và phê bình. Cán bộ cấp càng cao, cơ quan lãnh đạo càng cao, càng phải tự giác và thành khẩn tự phê bình và phải làm gương, nêu gương cho cấp dưới, không để xảy ra “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
       Để phòng, chống tham ô, lãng phí, Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ phải “khéo kiểm tra” và kiểm tra phải “khéo”. Phải kết hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức kiểm tra, kiểm tra từ dưới lên, từ trên xuống dưới; kiểm tra thường xuyên, bất thường, định kỳ; kiểm tra trực tiếp, gián tiếp. Trong các hình thức và phương pháp kiểm tra, Hồ Chí Minh đề cao kiểm tra thường xuyên và kiểm tra trực tiếp. Người thường xuyên nhắc nhở các đồng chí ở các bộ, ban, ngành ở Trung ương cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết các công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều.
      Từ các quan điểm nêu trên có thể thấy rằng: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì “tham ô, lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”, “bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô” và chính chủ nghĩa cá nhân đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên hư hỏng, đạo đức, phẩm chất thấp kém, dẫn đến tham ô, hủ hóa, lãng phí; chính chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, tham ô, lãng phí… Như vậy, nguồn gốc của tham nhũng là do quan liêu, mà chủ nghĩa cá nhân lại đẻ ra bệnh quan liêu. Mặt khác, chủ nghĩa cá nhân làm cho cán bộ, đảng viên hư hỏng, suy thoái dẫn đến tham nhũng, lãng phí, hủ hóa. Như vậy, từ các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chủ nghĩa cá nhân, có thể khẳng định, căn nguyên, gốc rễ gây ra tham nhũng, lãng phí chính là do sự suy thoái về đạo đức, lối sống, kéo theo sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên. 
           (1) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 141.
           (2) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 345.
           (3) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 141.
           (4) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 351-369.
           (5) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 357.
           (6) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 295.
           (7) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 295.
           (8) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr. 417.
           (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.358.
           (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, sđd, tr.467.
           (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, sđd, tr.361.
           (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, sđd, tr.553.
           (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, sđd, tr.433.
              (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, sđd, tr.189.
              (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, sđd, tr.637.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Chiến- VKSND H. Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 342
  • Hôm nay: 6595
  • Tháng hiện tại: 2769186
  • Tổng lượt truy cập: 26339342
2
1