12:46, 03/06/2023
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

    * Giới thiệu chung:

      Sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân xuất phát từ nhu cầu khách quan của việc xây dựng bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa và yêu cầu của việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố Nhà nước cùng với sự ra đời của ngành kiểm sát nhân dân thì Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh được thành lập, Viện kiểm sát nhân dân Khu tự trị Thái Mèo (năm 1962 đổi thành Khu tự trị Tây Bắc) được thành lập. 
      Ngày 27/10/1962, tại kỳ họp thứ V Quốc hội khóa II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và thành lập 2 tỉnh Lai Châu và Sơn La. Ngày 12/12/1962, Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 2205/QĐ-VKSTC thành lập Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu và bổ nhiệm đồng chí Trần Hoạt - nguyên là Bí thư Châu Mường Lay làm Viện trưởng. Cán bộ của lúc bấy giờ chủ yếu là bộ đội tham gia kháng chiến chống pháp xuất ngũ và một số đồng chí được tăng cường từ Viện kiểm sát khu Tây Bắc. Viện kiểm sát tỉnh thành lập một chi bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh Lai Châu.
     Thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 về chia tách tỉnh Lai Châu (cũ) thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, ngày 12/01/2004 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quyết định số 22/2004/QĐ-TCCB  về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên.
      * Chức năng, nhiệm vụ:
     Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
     Trong phạm vi chức năng của mình, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên có nhiệm vụ góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân; bảo đảm để mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật.
      Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ bằng những công tác sau đây:
     1. Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các cơ quan điều tra thuộc Công an tỉnh và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh.
     2. Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự của Toà án nhân dân tỉnh.
     3. Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật của Toà án nhân dân tỉnh.
     4. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành bản án, quyết định của Toà án nhân dân tỉnh.
     5. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù của Trại tạm giam Công an tỉnh.
     6. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận các tin báo, tố giác về tội phạm do các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân chuyển đến.
     7. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện việc thống kê tội phạm trong toàn tỉnh. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan tiến hành tố tụng khác của tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
      Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có quyền ra quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các văn bản đó. Trong trường hợp các văn bản nói trên trái pháp luật thì tuỳ theo tính chất và mức độ sai phạm mà người ra văn bản bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
      Các quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân phải được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của pháp luật.
      Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Toà án, Công an, Thanh tra, Tư pháp, các cơ quan khác của Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận   Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các đơn vị vũ trang nhân dân ở địa phương để phòng ngừa và chống tội phạm có hiệu quả, xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; tuyên truyền, giáo dục pháp luật; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu tội phạm và vi phạm pháp luật.
     Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chức năng, nhiệm vụ như đã nêu trên tại địa phương.
      Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.
     Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có quyền rút, đình chỉ hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.
     Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đều do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân  2 cấp tỉnh và huyện chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân; trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Viện trưởng. Khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng uỷ nhiệm thay mặt lãnh đạo công tác của Viện kiểm sát. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về nhiệm vụ được giao.
     Kiểm sát viên phải tôn trọng và chịu sự giám sát của nhân dân.
     Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ.
     Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi gây cản trở Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ.
     * Cơ cấu tổ chức:
     + Bộ máy, tổ chức: gồm 8 phòng nghiệp vụ; 10 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị xã, thành phố.
     + Tổng biên chế hiện nay là 150 người (trong đó: cấp tỉnh 55 người, cấp huyện 95 người).
     + Lãnh đạo viện:
Viện trưởng: Phan Văn Kỷ.
Các phó viện trưởng: Vũ Trung Thành; Vi Văn Hải; Nguyễn Hữu Sơn.
     + Ban cán sự đảng.
     + Ủy ban kiểm sát.
     + Đảng bộ.
     + Công đoàn.
     + Đoàn thanh niên.
     + Hội CCB.
     + Hội luật gia.
     + Ban Biên tập Trang thông tin.
     * Thông tin liên hệ:
Địa chỉ: Số 174, Tổ 12, phường Mường Thanh,  thành phố  Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Điện thoại: 02153.828.226.

CÁC ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO VKSND TỈNH ĐIỆN BIÊN QUA CÁC THỜI KỲ

 
Đồng chí Tòng Văn Pâng
Nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lai Châu
(Từ 1971-1980)
Đ/c Vũ Quỳ
Nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lai Châu
(Từ 1981-1988)
Đ/c Hoàng Phú Hải
Nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lai Châu
(Từ 1989 - 1991)
Đ/c Vi Văn Hùng
Nguyên
 Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
(Từ 1992-2015)

 
Đ/c Phạm Mùi
Nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
(Từ 1989 đến 2008)
Đ/c Ngô Văn Mạc
Nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Lai C
hâu (cũ)
(Từ 1989 đến 2004)
Description: alt Description: alt
Đ/c Nguyễn Văn Ân
Nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
(Năm 2015)
Đ/c Trần Quốc Phòng
 Nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
(Từ 2004 đến 2015)
Đ/c Nguyễn Văn Hải 
Nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
(Từ 2015 đến 2017  )
Đ/c Phan Văn Kỷ
Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
(Từ 2017 đến nay )
Đ/c Vũ Trung Thành
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
(Từ  2011 đến nay  )
Đ/c Vi Văn Hải
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
(Từ  2016 đến nay  )
 
Đ/c Nguyễn Hữu Sơn
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
(Từ 2017 đến nay)