07:19, 27/04/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

Về việc thực hiện quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

          Giữ người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn mới, được quy định tại Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS); khoản 3 Điều 55 BLTTHS quy định người bị  giữ trong trường hợp khẩn cấp là người tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có các quyền được quy định tại khoản 1 Điều 58 BLTTHS, trong đó có quyền:  “Tự bào chữa, nhờ người bào chữa”- điểm g khoản 1 Điều 58.
          Khoản 4 Điều 110 BLTTHS quy định: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay…”. Do đã bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn, nên người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp bị hạn chế một số quyền công dân và bị Cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra lấy lời khai, nên luật quy định họ có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa như đã nêu ở trên.
          Tuy nhiên về quyền của người bào chữa tại khoản 1 Điều 73 BLTTHS không có quy định nào cho người bào chữa được thực hiện quyền của mình đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Mặt khác về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng được quy định rõ tại Điều 74 BLTTHS như sau : “Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
          Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
          Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”.  
Như vậy người bào chữa không được tham gia tố tụng ở thời điểm giữ người trong trường hợp khẩn cấp vì theo quy định tại khoản 4 Điều 110 BLTTHS thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do cho người đó (giữ người trước, sau đó mới tạm giữ, bắt hoặc trả tự do).
          Trong thực tế, khi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp có yêu cầu nhờ người bào chữa thì thực hiện như thế nào và trong trường hợp này người bào chữa có được tham gia hay không? Đây là vấn đề có vướng mắc khi thực hiện BLTTHS, xin nêu ra để mọi người cùng nghiên cứu, trao đổi để tháo gỡ.

Tác giả bài viết: Vi Văn Hải - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 310
  • Khách viếng thăm: 308
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 8396
  • Tháng hiện tại: 2770987
  • Tổng lượt truy cập: 26341143
2
1