20:32, 27/04/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

Lời xin lỗi muộn màng

Lời xin lỗi muộn màng
Khi được nói lời sau cùng bị cáo tỏ ra ân hận, xin được một cơ hội để làm người lương thiện, xin lỗi người vợ, con và gia đình
      Những ngày đầu tháng 11 khi cái chớm se lạnh của rừng núi Tây Bắc bắt đầu thấm vào da thịt. Tôi gặp chị Phạm Thị Thanh Xuân tại phiên tòa xét xử chính người chồng của chị - Bị cáo Lò Văn Toàn (sinh năm 1982, trú tại bản Tin Tốc, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Dáng người chị Xuân nhỏ, khuôn mặt hốc hác, dường như bị suy sụp nhiều khi người chồng bị bắt vì tàng trữ trái phép chất ma túy. Vừa bước vào phòng xử án đôi mắt chị rưng rưng khi nhìn thấy người chồng cũng gầy đi nhiều sau hơn 5 tháng bị tạm giam. Đứng ở vành móng ngựa, liếc nhìn thấy sự có mặt của người vợ, bị cáo Lò Văn Toàn cúi xuống. Đôi mắt của bị cáo tỏ rõ thái độ ân hận, sự e thẹn, xấu hổ khi phải đối diện với người vợ trong hoàn cảnh mà dường như cả hai người chưa từng nghĩ đến-phiên tòa xét xử Lò Văn Toàn. 
 


Bị cáo Lò Văn Toàn trước vành móng ngựa
 
      Tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, tỏ rõ thái độ ăn năn, hối cải. Khi Kiểm sát viên trình bày luận tội “Bị cáo là một cựu quân nhân, từng có thời gian rèn luyện trong môi trường quân đội. Bị cáo có vợ là một người giáo viên và có 01 con còn nhỏ. Đáng lẽ là một cựu quân nhân, một người chồng, người cha trong gia đình bị cáo phải chịu khó lao động, rèn luyện để vừa nuôi sống chính bản thân vừa gánh vác trách nhiệm gia đình. Nhưng trái lại bị cáo lại tự mình đi vào con đường nghiện chất ma túy. Để có tiền đáp ứng nhu cầu trái pháp luật đó, bị cáo đã phải làm thuê, bán các tài sản trong gia đình để đi mua ma túy dẫn đến bị bắt và bị xét xử trong vụ án này”. Nghe những lời luận tội đó bị cáo cúi mặt xuống, nước mắt rưng rưng, dường như trong con người đấy đang trỗi dậy sự ân hận vì đã không làm tròn bổn phận người chồng, người cha và một sự mong muốn mãnh liệt để trở lại làm người có ích cho gia đình, xã hội. Khi hội đồng xét xử cho bị cáo nói lời sau cùng, trong nước mắt bị cáo nói “bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là sai, bị cáo mong hội đồng xét xử cho bị cáo một cơ hội để được làm người, bị cáo hứa sau này sẽ không bao giờ tái phạm, sẽ từ bỏ ma túy, bị cáo gửi lời xin lỗi đến người vợ, con, xin lỗi gia đình”. Trong giờ nghị án bị cáo quay sang người vợ khẽ hỏi: “con có nhớ anh không, bố mẹ khỏe không”, người vợ nghẹn ngào hướng ánh mắt vào Toàn nói: “con toàn hỏi mẹ, mẹ ơi bố đi đâu ?” chính câu hỏi ngô nghê của đứa trẻ làm cho người cha đấy càng ân hận với việc làm của mình. Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi đó dường như người chồng tỏ thái độ rất ân hận với người vợ, đặt một niềm hy vọng vào người vợ trẻ, mong muốn sớm ngày quay lại với gia đình.
     Ma túy! Phá vỡ bao nhiêu cuộc đời con người, bao nhiêu mái ấm gia đình, bao nhiêu tài sản, sức khỏe con người… xã hơn nữa gây mất trật tự trị an, là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm khác. Từ lời xin lỗi muộn màng của Lò Văn Toàn mong sao sẽ thức tỉnh, cảnh tỉnh những người đang tàng trữ, sử dụng “cái chết trắng”. Tuy muộn màng nhưng mong sao qua đây nhiều người sẽ lấy đó làm bài học, làm tấm gương để soi vào, để tránh xã ma túy. Hy vọng bản án 06 năm sẽ không là quá dài đối với người thanh niên trẻ, biết nhận lỗi, biết ân hận. Với người vợ trẻ, đứa con thơ đang ngày đem mong ngóng sẽ là động lực để bị cáo chấp hành tốt hình phạt, phấn đấu sớm trở về với gia đình, trở thành người có ích, người công dân tốt./.
Tác giả bài viết: Ngọc Kiên - VKSND H. Nậm Pồ

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 353
  • Khách viếng thăm: 352
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 23072
  • Tháng hiện tại: 2811574
  • Tổng lượt truy cập: 26381730
2
1