Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ.

GIẢI PHÁP CÔNG TÁC
 
     A. Tác giả giải pháp công tác
- Họ và tên: Nguyễn Ngọc Kiên                                   Sinh: 06/04/1988.
- Đơn vị công tác: Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.
- Chức danh: Kiểm sát viên.
     B. Thuyết minh giải pháp công tác
     1. Tên giải pháp
     Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ.
     2. Lĩnh vực, thời gian áp dụng giải pháp
     Lĩnh vực áp dụng: Công tác kiểm sát thi hành án hình sự.
     Thời gian áp dụng: Năm 2017.
     3. Sự cần thiết phải áp dụng giải pháp
     Luật thi hành án hình sự năm 2010 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011, đến nay đã hơn 6 năm. Trong hơn 03 năm, kể từ khi thành lập huyện đến nay Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện và Ủy ban nhân dân (UBND) các xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã thực hiện tương đối đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Đảm bảo mọi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đều được thi hành, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần giữ vững tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
     Song bên cạnh đó công tác thi hành án hình sự nói chung, công tác thi hành án treo và thi hành án phạt cải tạo không giam giữ nói riêng còn một số tồn tại, hạn chế. Từ năm 2013 đến nay thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ đã phát hiện nhiều vi phạm, ban hành 22 kiến nghị trong kết luận. Các nội dung Viện kiểm sát đã kiến nghị cơ bản được UBND xã chấp nhận và khắc phục. Tuy nhiên một số vi phạm đã kiến nghị vẫn chưa được khắc phục. Hàng năm qua các cuộc kiểm sát vẫn phát hiện nhiều vi phạm, cá biệt có một số dạng vi phạm lặp đi lặp lại. Các vi phạm xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Để giải quyết dứt điểm các vi phạm của UBND cấp xã đòi hỏi phải kết hợp rất nhiều giải pháp khác nhau. Đối với Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, căn cứ tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thông qua công tác kiểm sát đề ra các giải pháp phù hợp, có hiệu quả. Trong đó giải pháp quan trọng nhất là: “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ”. Việc thực hiện giải pháp này sẽ góp phần cung cấp đầy đủ hệ thống kiến thức, các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, kiểm sát viên đơn vị cũng như cán bộ làm công tác thi hành án hình sự ở cấp xã. Để công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã có hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Chính vì vậy việc áp dụng giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ là rất cần thiết.
     4. Nội dung giải pháp.
    4.1. Thực trạng công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã và công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ
     4.1.1. Thực trạng công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ
Huyện Nậm Pồ được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6/2013. Số lượng người thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn huyện không nhiều, cụ thể năm 2017:
     - Tổng số người thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ: 17 người, trong đó:
+ Số cũ 12 người.
+ Số mới 05 người.
     - Đã chấp hành xong thời gian thử thách 03 người.
     - 01 người phạm tội mới.
     - Hiện còn 13 người đang trong thời gian thử thách của án treo thuộc quản lý của 06 UBND xã.
     Trong những năm qua UBND các xã đã có sự quan tâm nhất định đến công tác thi hành án hình sự, góp phần đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm chỉnh. UBND xã đã phân công cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Lập hồ sơ theo dõi, quản lý đối với người thi hành án. Lập sổ theo dõi, quản lý người thi hành án theo quy định. Phân công người trực tiếp giám sát giáo dục đối với người thi hành án. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định tại Luật thi hành án hình sự năm 2010. Tuy nhiên công tác giám sát, giáo dục người thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế như: Chưa lập hồ sơ để theo dõi, quản lý, giám sát, giáo dục; Hồ sơ lập chưa đầy đủ, chưa đúng quy định; Chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật thi hành án hình sự; Công tác giám sát, giáo dục chưa mang lại hiệu quả vẫn còn trường hợp người chấp hành án vi phạm nghĩa vụ, phạm tội mới…Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi hành án hình sự tại UBND các xã chưa nắm vững các quy định pháp luật có liên quan, chưa được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ.
          4.1.2. Thực trạng công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ
          Từ khi thành lập đến nay Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ tương đối quan tâm đến công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Hàng năm đều phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, kiểm sát viên đảm nhận khâu công tác kiểm sát này. Yêu cầu cán bộ, kiểm sát viên được phân công đề ra các biện pháp, giải pháp cụ thể để thực hiện trong năm công tác. Kiểm sát viên được phân công đã chủ động thực hiện kiểm sát theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Thông qua công tác kiểm sát phát hiện nhiều vi phạm ban hành nhiều bản kiến nghị góp phần nâng cao chất lượng công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ của UBND xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ. Bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ, kiểm sát viên có tư tưởng “coi nhẹ” lĩnh vực kiểm sát thi hành án hình sự. Dẫn đến không chú trọng trong thực hiện công tác kiểm sát theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện mang tính chất đối phó, hình thức, kém hiệu quả, chưa góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành kiểm sát cũng như những đóng góp của ngành vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Bản thân cán bộ, kiểm sát viên được phân công làm công tác kiểm sát thi hành án hình sự chưa chủ động nghiên cứu học tập để nâng cao trình độ, nhận thức cũng như tích lũy kinh nghiệm. Hơn nữa do UBND các xã chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Công tác giám sát, giáo dục người chấp hành án chưa mang lại hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Từ thực tiễn nêu trên đòi hỏi phải có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ đối với UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ.
      4.2. Các yếu tố để thực hiện giải pháp:
     Về con người: Hiện nay đơn vị có 06 kiểm sát viên, 01 chuyên viên, 01 kế toán, 01 hợp đồng lao động và 03 nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68. Trong đó công chức được phân công công tác kiểm sát thi hành án hình sự gồm 02 người (01 lãnh đạo phụ trách và 01 kiểm sát viên).
Về cơ sở pháp lý, vật chất: Các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm Bộ luật hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự; Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Luật thi hành án hình sự; Thông tư 63/2011/TT-BCA ngày 07/9/2011 Thông tư quy định các loại biểu mẫu, sổ sách về thi hành án hình sự; Thông tư liên tịch số: 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 Thông tư liên tịch hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo; Thông tư liên tịch số: 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012 Thông tư liên tịch hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời gian cấm cư trú, quản chế còn lại; Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
     Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ có đủ hệ thống máy tính được nối mạng internet, máy chụp ảnh, máy ghi âm, máy quay phim… và cơ sở vật chất khác phục vụ thực hiện giải pháp.
     Đánh giá một cách tổng quan về con người cũng như cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất của Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ bước đầu đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết để áp dụng giải pháp.
     4.3. Các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ:
Năm 2017 để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ cần áp dụng một số giải pháp cụ thể sau:
     4.3.1. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã.
     Đây là giải pháp quan trọng cần thiết được áp dụng và thực hiện ngay. Xuất phát từ thực tế hiện nay còn nhiều cán bộ, kiểm sát viên nhận thức chưa đúng tầm quan trọng của công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã. Dẫn tới chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mực, đòi hỏi phải có giải pháp để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác kiểm sát thi hành án hình sự.
     Luật tổ chức Viện kiểm sát nhâm 2014 quy định nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án hình sự, trong đó có nội dung quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã. Việc nâng cao nhận thức về vai trò của công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của đơn vị cũng như nâng cao vai trò vị thế của ngành kiểm sát nhân dân, đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất.
     Chỉ thị công tác hàng năm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cũng như kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên, Kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ đều đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ để hoàn thành tốt công tác kiểm sát thi hành án hình sự. Đặc biệt năm 2017 để tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong công tác Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ chọn khâu đột phá “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã”. Như vậy công tác kiểm sát thi hành án hình sự có ai trò đặc biệt quan trọng cần được quan tâm tổ chức thực hiện tốt.
     Để công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND xã đạt hiệu quả trước hết lãnh đạo đơn vị phải nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò của khâu công tác này. Từ đó cụ thể hóa bằng việc phân công, bố trí cán bộ. Hàng năm có giải pháp, biện pháp cụ thể trong chỉ đạo, điều hành cũng như triển khai thực hiện công tác này. Việc chỉ đạo điều hành phải bám sát yêu cầu của Viện kiểm sát cấp trên. Kế hoạch công tác năm của đơn vị phải đặt chỉ tiêu phù hợp cho bộ phận nghiệp vụ, yêu cầu thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu đã đề ra. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ tổng kết việc thực hiện công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Kịp thời động viên cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng như nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm những cá nhân chưa hoàn thành nhiệm vụ.
     Mỗi cán bộ, kiểm sát viên cần nâng cao nhận thức về vai trò của công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Chủ động học tập nâng cao trình độ, nhận thức. Tích cực trau dồi các kỹ năng, nghiệp vụ công tác cũng như tích lũy kinh nghiệm. Hoạt động kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, viên chức và quần chúng nhân dân. Đòi hỏi mỗi cán bộ kiểm sát phải xây dựng hình ảnh cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
      4.3.2. Các giải pháp cụ thể
     a) Giải pháp nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã.
     Để nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ cán bộ, kiểm sát viên được phân công cần nắm vững các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực công tác, chủ động học tập. Nâng cao chất lượng công tác tự đào tạo, đào tạo tại chỗ.
Cán bộ, Kiểm sát viên cần phải nắm vững, đầy đủ các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật thi hành án hình sự năm 2010, Thông tư 63/2011/TT-BCA ngày 07/9/2011 Thông tư quy định các loại biểu mẫu, sổ sách về thi hành án hình sự; Thông tư liên tịch số: 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 Thông tư liên tịch hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo; Thông tư liên tịch số: 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012 Thông tư liên tịch hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời gian cấm cư trú, quản chế còn lại; Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Từ việc nắm bắt đầy đủ các quy định có liên quan đến công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ để truyền đạt, hướng dẫn, trao đổi với đồng nghiệp khác trong đơn vị góp phần vừa nâng cao kiến thức vừa đáp ứng được yêu cầu tự đào tạo, đào tạo tại chỗ cho cán bộ, kiểm sát viên đơn vị.
     b) Đề ra kế hoạch, chỉ tiêu phù hợp trong công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã.
Hàng năm căn cứ các điều kiện thực tế của đơn vị cũng như chỉ tiêu của Viện kiểm sát cấp trên, Nghị quyết của Quốc hội để đưa ra các chỉ tiêu phù hợp. Trong năm 2017 đơn vị đề ra chỉ tiêu kiểm sát 50% số UBND xã có người thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ (cao hơn chỉ tiêu của VKSND cấp trên). Kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ (chuyển giao hồ sơ đến UBND xã; phân công người giám sát, giáo dục người chấp hành án; bổ sung các tài liệu trong thời gian quản lý, giáo dục người chấp hành án; lập hồ sơ đề nghị cơ quan thi hành án hình sự xem xét đề nghị cơ quan có thẩm quyền rút ngắn thời gian thử thách của án treo, miễn giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; chuyển giao hồ sơ cho Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện để cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách của án treo, chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ….). Qua công tác kiểm sát tham mưu cho UBND huyện tổ chức hội nghị tập huấn công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Chủ động nâng cao một số chỉ tiêu để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
     Căn cứ vào điều kiện thực tế bộ phận nghiệp vụ kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đã xây dựng kế hoạch để thực hiện các chỉ tiêu nghiệp vụ trong năm 2017.
     c) Phân bổ thời gian hợp lý để đảm bảo thực hiện tốt các khâu công tác khác.
     Do đặc thù của viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phải đảm nhận nhiều khâu công tác kiểm sát như Kiểm sát việc thụ lý giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự; kiểm sát thi hành án dân sự; Kiểm sát vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động; kiểm sát việc xử lý hành chính tại tòa án nhân dân; kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo…. Số lượng cán bộ, kiểm sát viên của đơn vị ít, bộ phận kiểm sát tạm giữ tạm giam và thi hành án hình sự chỉ có 01 kiểm sát viên và 01 lãnh đạo phụ trách đều kiêm nhiệm nhiều khâu công tác. Vì vậy yêu cầu đặt ra là vừa phải hoàn thành tốt các khâu công tác kiểm sát khác được giao vừa phải thực hiện tốt giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND xã. Trong năm kiểm sát viên đã nỗ lực, phấn đấu tận dụng có hiệu quả tối đa thời gian đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đồng thời thực hiện tốt giải pháp công tác.
     d) Nâng cao chất lượng các cuộc trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án hình sự tại UBND cấp xã:
     Trước các cuộc trực tiếp kiểm sát UBND xã kiểm sát viên phải nắm vững số liệu có liên quan đến thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ của từng xã. Kế hoạch trực tiếp kiểm sát phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định. Gửi cho UBND xã để chuẩn bị đầy đủ các nội dung báo cáo theo yêu cầu. Trước các cuộc kiểm sát chuẩn bị đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan. Tại các cuộc kiểm sát trực tiếp ngoài việc kiểm tra hồ sơ sổ sách có liên quan cần chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi hành án hình sự ở UBND các xã. Qua các cuộc kiểm sát ngoài việc phát hiện các vi phạm để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục còn hướng tới mục tiêu nâng cao trình độ, năng lực, nhận thức cho cán bộ được phân công làm công tác thi hành án hình sự tại UBND xã. Đặc biệt trong năm 2017 để kiểm tra, xác minh cũng như nâng cao chất lượng các cuộc kiểm sát, đơn vị phối hợp với UBND xã triệu tập người đang thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ có mặt tại cuộc kiểm sát. Kiểm sát viên trực tiếp ghi lời khai các nội dung có liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người chấp hành án cũng như việc giám sát, giáo dục người chấp hành án. Qua đó để ban hành kết luận một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác góp phần nâng cao chất lượng công tác thi hành án hình sự của UBND xã.
     đ) Phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Nậm Pồ trong việc hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án cho UBND cấp xã.
      Để công tác giám sát, giáo dục người chấp hành án có hiệu quả. Tại các cuộc trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án hình sự của Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Nậm Pồ, đơn vị chú trọng kiểm sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn nghiệp vụ công tác thi hành án hình sự theo thẩm quyền đối với UBND cấp xã; chỉ đạo, kiểm tra Công an cấp xã trong việc giúp UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ thi hành án theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
     Năm 2017 để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, giáo dục người chấp hành án, Viện kiểm sát nhân dân huyện phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự công an huyện xây dựng 02 chuyên đề tập huấn (Chuyên đề 1: Trình tự thủ tục thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; Chuyên đề 2: Hướng dẫn việc ghi và sử dụng các biểu mẫu, sổ sách trong công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; Trình tự thủ tục xử phạt hành chính trong thi hành án hình sự). Sau khi hoàn thiện các chuyên đề tâp huấn đã biên soạn và in gửi 15 UBND xã trên địa bàn huyện. Các chuyên đề trong tài liệu tập huấn đã cung cấp đầy đủ, toàn diện các quy định, hệ thống biểu mẫu, sổ sách có liên quan đến thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Qua công tác thực tiễn liên ngành đã phối hợp đề xuất UBND huyện Nậm Pồ tổ chức hội nghị tập huấn công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ cho UBND xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ.
     e) Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ tổ chức hội nghị tập huấn công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ:
     Thời gian qua công tác tuân theo pháp luật trong thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ của UBND các xã trên địa bàn huyện được thực hiện tương đối tốt. Công tác giáo dục người thực hiện hành vi phạm tội của UBND xã đem lại nhiều kết quả. Góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Bên cạnh đó nhiều UBND xã chưa quan tâm, đầu tư đúng mức đến công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Qua công tác kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ đã phát hiện nhiều vi phạm, ban hành nhiều bản kiến nghị trong kết luận. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm là do cán bộ làm công tác thi hành án hình sự của Cơ quan Thi hành án hình sự và UBND các xã chưa được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác thi hành án hình sự. Xuất phát từ thực tế đó để góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND xã Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ, Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Nậm Pồ đề xuất UBND huyện Nậm Pồ chủ trì tổ chức “Hội nghị tập huấn công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ” cho đối tượng là cán bộ làm công tác thi hành án hình sự của Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Nậm Pồ và cán bộ làm công tác thi hành án hình sự của các xã trên địa bàn huyện.
      g) Tuyên truyền việc thực hiện công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ:
     Để phản án kết quả công tác kiểm sát thi hành án hình sự cần áp dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền để cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án hình sự tại UBND xã. Các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân liên quan đến kiểm sát thi hành án hình sự được phản ánh kịp thời. Qua đó, Lãnh đạo Đảng, các cơ quan ban ngành và nhân dân thấy rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và những đóng góp của ngành Kiểm sát nhân dân trong công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ.
     5. Một số kết quả đạt được khi áp dụng giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ
     Qua thời gian áp dụng giải pháp tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ công tác kiểm sát thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã đã đạt được một số kết quả nhất định.
     Lãnh đạo đơn vị đã quan tâm đến khâu công tác kiểm sát thi hành án hình sự. Bố trí cán bộ, kiểm sát viên có năng lực đảm nhiệm khâu công tác này. Trong Kế hoạch công tác năm đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND xã. Đặc biệt năm 2017 đơn vị lựa chọn “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã” làm khâu công tác đột phá.          Để thực hiện tốt và có hiệu quả đơn vị yêu cầu bộ phận kiểm sát thi hành án hình sự hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ có liên quan, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện khâu đột phá năm 2017.
     Công tác tự đào tạo, đào tạo tại chỗ được quan tâm. Công chức mới vào ngành sớm được tiếp cận khâu công tác kiểm sát thi hành án hình sư, thực hiện một số thao tác kiểm sát nhất định. Thực hiện việc thông khâu công tác kiểm sát để tất cả cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị đều được tiếp cận công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Các kiểm sát viên có kinh nghiệm truyền đạt, hướng dẫn kiến thức, các quy định pháp luật có liên quan đến công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ cho các đồng nghiệp khác.
     Năm 2017 đã trực tiếp kiểm sát 05/06 UBND xã có người thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ đạt tỷ lệ 83,33 %, vượt chỉ tiêu đề ra, chất lượng các cuộc trực tiếp kiểm sát được nâng lên. Trong các cuộc trực tiếp kiểm sát kết hợp phúc tra việc thực hiện kiến nghị đã ban hành đối với UBND xã năm 2016. Tại các cuộc trực tiếp tiến hành ghi lời khai 05 người đang trong thời gian thử thách của án treo về các nội dung có liên quan đến cuộc kiểm sát.
Phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Nậm Pồ kiểm tra, giám sát đối với 01 xã có người thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, vượt chỉ tiêu đề ra.
     Kiểm sát chặt chẽ việc ban hành và gửi 05 quyết định thi hành án phạt tù cho hưởng án treo. Việc triệu tập người chấp hành án đến cơ quan thi hành án hình sự để lập hồ sơ thi hành án và ấn định thời gian người chấp hành án phải có mặt tại UBND cấp xã để thi hành án. Kiểm sát việc bàn giao hồ sơ cho UBND xã, việc phân công người giám sát giáo dục, lập hồ sơ theo dõi, quản lý đối với 05 người mới có quyết định thi hành án treo trong năm 2017.
Kiểm sát chặt chẽ việc lập 02 hồ sơ đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách của án treo của UBND xã.
Kiểm sát việc bàn giao 03 hồ sơ cho Cơ quan thi hành án hình sự công an huyện trước khi hết thời gian thử thách theo quy định.
     Trong năm 2017 để công tác tổ chức và thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ của UBND các xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ được thực hiện tốt hơn. Viện kiểm sát nhân dân huyện Nậm Pồ và Cơ quan Thi hành án hình sự công an huyện Nậm Pồ đã trình UBND huyện Nậm Pồ để UBND huyện chủ trì tổ chức “Hội nghị tập huấn công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ”. Đồng ý với đề xuất của liên ngành UBND huyện Nậm Pồ đã ban hành Kế hoạch và tổ chức Hội nghị tập huấn trong tháng 8/2017 cho đối tượng là cán bộ làm công tác thi hành án hình sự của Cơ quan thi hành án hình sự công an huyện Nậm Pồ, lãnh đạo, trưởng công an 15 UBND xã trên địa bàn. Qua việc tổ chức hội nghị tập huấn đã mang lại nhiều hiệu quả công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ được UBND các xã quan tâm hơn. Kết luận hội nghị tập huấn Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp chỉ đạo CQTHAHS công an huyện Nậm Pồ, trong thời gian tới có kế hoach thực hện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự đặc biệt là các quy định về thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ công tác thi hành án hình sự theo thẩm quyền đối với Ủy ban nhân dân xã; chỉ đạo, kiểm tra Công an xã trong việc giúp Uỷ ban nhân dân xã thực hiện nhiệm vụ thi hành án hình sự theo quy định của luật thi hành án hình sự; UBND các xã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật thi hành án hình sự. Hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện các quy định về thi hành án hình sự trên địa bàn. Kế hoạch phải giao nhiệm vụ cụ thể cho công an xã trong việc quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho Công an xã, người được phân công giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn xã. Tổ chức rút kinh nghiệm và tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án hình sự. Ngoài ra còn chỉ đạo các phòng ban, cơ quan có liên quan để thực hiện tốt công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Công tác tuyên truyền các hoạt động liên quan đến công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ mang lại nhiều kết quả. Trong năm có tổng số 32 tin bài của cán bộ đơn vị được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có 07 tin bài phản ánh các hoạt động liên quan đến công tác kiểm sát thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ.
      6. Một số tồn tại, khó khăn, hạn chế
     Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã do mới thực hiện trong năm 2017 vì vậy nhiều nội dung đã triển khai thực hiện nhưng chưa kiểm tra được tính hiệu quả.
     Nhiều quy định pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc áp dụng trên thực tế còn nhiều khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến công tác kiểm sát.
     Số lượng kiểm sát viên, cán bộ tham gia thực hiện giải pháp còn ít vì vậy chưa phát huy tối đa tính tập thể trong việc thực hiện giải pháp. Kiểm sát viên còn trẻ kinh nghiệm thực tế chưa nhiều vì vậy phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả giải pháp.
     Chưa có nguồn kinh phí để thực hiện một số nội dung trong giải pháp.
    Trình độ năng lực, nhận thức của một số cán bộ làm công tác thi hành án hình sự tại Ủy ban nhân dân xã còn hạn chế vì vậy công tác giám sát, giáo dục người chấp hành án đôi khi chưa sát, chưa đem lại hiệu quả.
     7. Hướng phát triển của giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ trong thời gian tới
     Việc áp dụng một số nội dung giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ trong thời gian ngắn chưa kiểm chứng được tính hiệu quả. Tuy nhiên với sự quan tâm của Ngành kiểm sát nhân dân trong thời gian qua cũng như tầm quan trọng của công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án hình sự nói chung, kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã nói riêng. Việc thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ trong năm 2017 đã mang lại nhiều kết quả thực tế, chứng minh giải pháp cần phải tiếp tục được áp dụng và thực hiện trong thời gian tới.
     Việc tiếp tục áp dụng giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ trong những năm tới sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Nâng cao vai trò vị thế của Ngành Kiểm sát nhân dân.
 
                                                                                Nậm Pồ, ngày 16 tháng 11 năm 2017

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Kiên