Màu áo thiên thanh với cuộc chiến bảo vệ rừng

Màu áo thiên thanh với cuộc chiến bảo vệ rừng
Với tinh thần trách nhiệm của nghề nghiệp, cán bộ, Kiểm sát viên của VKSND huyện Mường Nhé đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để trả lại màu xanh cho rừng – nơi phên giậu của tổ quốc.
Vào một ngày nắng nóng giữa tháng 02/2018, cơn gió Lào thổi từ ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào hắt vào từng phòng làm việc, khiến các gian phòng làm việc nhỏ bé của các đồng chí cán bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường nhé ngồn ngộn hồ sơ các vụ án trở nên ngột ngạt hơn, chỉ mong sao có một cơn mưa rào thoáng qua. Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mường Nhé với lối kiến trúc đặc thù ở trên cao và biệt lập hẳn với trung tâm huyện, trong khuôn viên, không khí khá trầm lắng, hầu như không thấy một tiếng nói to ở đâu đó vọng ra, chúng tôi những cán bộ của ngành kiểm sát nhân dân huyện Mường Nhé dành chút thời gian rảnh cuối giờ chiều, ngồi tâm sự về chuyện nghề của mình.
Năm nay có lẽ không khí dễ thở hơn mọi năm khi mà vào thời điểm này hàng năm tro bụi do những đám cháy rừng len lỏi vào từng ngóc ngách, từng căn phòng, bầu trời u ám một màu khói ngột ngạt khó thở, trọ bụi bám cả vào chiếc áo ngành màu thiên thanh khiến cho mỗi người cán bộ kiểm sát cảm thấy trách nhiệm trong việc đấu tranh với tội phạm hủy hoại rừng trở nên nặng nề hơn.
 

 
 

Hình ảnh: Cảnh tượng rừng bị tàn phá ở xã Chung Chải vào ngày 15/3/2017
Đã qua rồi những mùa đốt rừng làm nương khiến các vạt rừng trở lên điêu tàn, tan hoang không có sức sống mà mỗi khi du khách ngồi trên chuyến xe khách tuyến Điện Biên – Mường Nhé không nhìn được về phía trước vì khói bụi, cảm giác tuyến đường gồ ghề uốn lượn như bất tận không có điểm dừng có thể cảm nhận được. Qua rồi những sự bất chấp pháp luật những cây gỗ to, gỗ quý có tuổi đời cả trăm năm bị đốn hạ không thương tiếc. Những “vết thương” của rừng nay được đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Nhé chữa lành bằng việc trồng lại những cánh rừng đã bị tàn phá.
 

Hình ảnh: Những cây gỗ dổi thân to có đường kính 1m bị chặt phá
Đã qua rồi cái đợt cao điểm của trấn áp tội phạm hủy hoại rừng, cũng như các lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, các cán bộ, Kiểm sát viên chúng tôi luôn luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đến hiện trường bất kể địa hình, thời gian, điều kiện thời tiết ra sao, không ai muốn có một vụ án nào xảy ra, một cánh rừng nào bị tàn phá nhưng nếu có thì đêm khuya, mưa gió cùng đểu phải có mặt ở hiện trường. Công việc đó, nam giới đã vất vả, nhưng với những nữ Kiểm sát viên, còn khó khăn, vất vả bội phần, chị Điêu Thị Hà nữ kiểm sát viên của đơn vị chia sẻ.

Hình ảnh: KSV Điêu Thị Hà trên đường đi khám nghiệm hiện trường
Chỉ vài năm trước, ở các xã Chung Chải, Leng Su Sìn, Quảng Lâm, Sen Thượng… rừng có hay không? chẳng ai quan tâm, đồng bào dân tộc khi di cư đến đây trong cái bụng họ nghĩ rằng : “từ khi sinh ra đã có rừng đã có, rừng là trời đất cho”, không cần bảo vệ cũng chẳng cần trồng. Bởi thế, rừng cũng tự nhiên bị chặt phá tàn nhẫn không thương tiếc. Nhưng rồi, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền vận động nhân dân, kể từ khi Kế hoạch số 420/KH - UBND tỉnh Điện Biên ngày 22/02/2017 tình trạng phá rừng đã giảm hẳn, nhận thức về vai trò suy nghĩ, thói quen đối xử với rừng được đổi thay trong mỗi người dân cũng dần thay đổi.
 

Hình ảnh: Cán bộ kiểm lâm tuyên truyền cho nhân dân việc bảo vệ rừng ngày 24/3/2018 tại xã Chung Chải
Vào đợt cao điểm trấn áp tội phạm hủy hoại rừng, mỗi Kiểm sát viên đều nhận thức rõ vai trò của mình trong quá trình kiểm sát khám nghiệm. Vì thế, chúng tôi túc trực 24/24h làm việc không kể ngày, đêm; không chỉ trong giờ hành chính. Chỉ cần tiếng chuông điện thoại từ Cơ quan cảnh sát điều tra, Hạt kiểm lâm huyện thông báo có vụ phá rừng mới xảy ra trên địa bàn là phải gác lại tất cả công việc đang làm còn dở dang để đến ngay hiện trường để đảm bảo việc đo đạc, phân loại rừng, phát hiện đối tượng nhanh chóng và kịp thời nhất. Có ngày mỗi cán bộ có khi ăn và ngủ luôn trong rừng với những đơn vị trong kế hoạch 420.
Chúng tôi chia sẻ với nhau những câu chuyện vui trong quá trình khám nghiệm: Có lần anh em đi khám nghiệm từ 4 giờ sáng chưa kịp ăn gì, chỉ kịp mua ít lương khô để dành đến khi mở ra ăn thì mới biết là quên mua nước uống, chỉ nhìn nhau và cười.
Có lần chúng tôi đi khám nghiệm với đồng chí nhà báo An ninh TV, trước đấy cũng chẳng biết đồng chí ấy vì cứ đến hiện trường là đi thôi, đường đi khó khăn, ngã lên ngã xuống, tôi đèo anh nhà báo phía sau nói đùa : “Phải cho nhà báo đi khám nghiệm như thế này, cho họ mới biết nỗi khổ”, anh trả lời “Anh làm bên báo đây” cả đoàn phá lên cười. Một chuyện vui để nhớ mãi, gặp lại anh mới biết anh tên là Trung khi anh quay lại Mường Nhé làm phóng sự về công tác trồng rừng.
Có những lần đi khám nghiệm hiện trường để lại những ký ức không thể quên, đó là những lần khám nghiệm trong Nhóm Tá Phì Chà, xã Chung Chải đồng bào dân tộc Mông ở đây đều theo đạo, trình độ dân trí thấp được các đối tượng xấu lợi dụng kích động chống đối lại đoàn công tác, trên đoạn đường đi vào hiện trường, nhiều người cầm dao, gậy đe dọa, có cây cầu gỗ cũng bị phá bỏ không cho đoàn công tác làm việc, mọi người trong đoàn chúng tôi phải mặc thường phục để tránh nguy hiểm. Vừa tiến hành khám nghiệm vừa vận động, thuyết phục và giải thích cho nhân dân hiểu.
Mỗi vụ việc đều để lại trong chúng tôi những tâm tư, tình cảm khác nhau, bởi cùng với nhiệm vụ là người đại diện cho cơ quan Thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật, chúng tôi cũng là con người, là những người chồng, người vợ, người con, người cha, người mẹ có những bổn phận với gia đình. Đối với những đối tượng phạm tội có tình tiết “chuyên nghiệp”, hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn, thì việc pháp luật trừng trị là lẽ đương nhiên, nhưng cũng có không ít mảnh đời éo le, là những nông dân thường ngày chân chất, hiền lành, không am hiểu pháp luật, thậm chí vì hoàn cảnh mà phạm tội…


Hình ảnh: Phiên tòa xét xử một vụ án hủy hoại rừng
Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng; ai phạm tội, người đó phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, mỗi khi tham mưu với lãnh đạo Viện về đường lối giải quyết một vụ án hủy hoại rừng, chúng tôi đã phải băn khoăn, trăn trở, phản biện, nhấc lên đặt xuống nhiều lần. Mặc dù người phạm tội phải bị xử lý theo pháp luật, nhưng không ít vụ án, thẳm sâu trong tâm tưởng, chúng tôi thấy thương cho họ một phần vì sự am hiểu pháp luật còn hạn chế của họ, vì cái nghèo, cái đói, ít va chạm xã hội mà phải phá rừng làm nương, nhiều người được vận động đều ra tự thú. Nguyên nhân một phần cũng là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền, trông coi, bảo vệ rừng thiếu trách nhiệm của các chủ rừng. Chính vì vậy, đơn vị đã có kiến nghị với Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé để nâng cao trách nhiệm của Cộng đồng thôn, bản và Ủy ban nhân dân xã trong công tác bảo vệ rừng, cần xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh người đứng đầu cộng đồng dân cư, Chủ tịch UBND xã để xảy ra tình trạng phá rừng, qua đó việc bảo vệ rừng của các chủ rừng cũng có trách nhiệm hơn.
 

H/ảnh: Niềm vui của người dân khi được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng vào ngày 24/3/2018

Hình ảnh: Rừng keo 1 năm tuổi tại bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé
Mùa xuân đến những vết thương của những vạt rừng cách đây vài năm đã được phủ một màu xanh của những cánh rừng keo tai tượng 1- 3 năm tuổi, cùng với đó, là niềm vui hiện rõ trong ánh mắt, nụ cười và trong công việc lao động của những người dân nơi đây. Đối với họ, trồng rừng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào, sự tin tưởng vào tương lai với những lợi ích đem lại từ rừng, không khí trở lên dễ chịu hơn. Ngày trước mỗi khi có phiên tòa xét xử lưu động về tội hủy hoại rừng, tuyên truyền trồng rừng phòng hộ ai cũng lảng tránh, thì nay không cần ai chỉ đạo, nhắc nhở, bà con lên án các hành vi phá rừng làm nương, nhân dân đã thực sự coi rừng là nguồn sống của mình./.

Tác giả bài viết: Tiến Đỗ - VKSND huyện Mường Nhé