Vẫn còn có một số điểm chưa thống nhất giữa Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự

Theo quy định tai điểm b khoản 1 Điều 32, điểm b khoản 1 Điều 34, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 36 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như: Bộ đội biên phòng, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư khi phát hiện “Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển giao hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án”
    1. Theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự thì: Bộ đội biên phòng, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư khi làm nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm (các tội phạm theo quy định tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự) thì kể cả đối với tội ít nghiêm trọng, quả tang, rõ ràng, hay tội phạm ít nghiêm trọng nhưng có nhiều tình tiết phức tạp, tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều có nhiệm vụ, quyền hạn: “khám nghiệm hiện trường”.
     Tuy nhiên tại khoản 2 và khoản 3  Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì:
     2. Khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng, những người quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:
     a) Thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật từ những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;
     b) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can;
     c) Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc khám nghiệm hiện trường;
     d) Quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản; quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án;
     đ) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai bị hại, đương sự; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
     e) Quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này;
     g) Kết luận điều tra, đề nghị truy tố hoặc kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra; quyết định tạm đình chỉ điều tra; quyết định phục hồi điều tra.
     3. Khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, những người được quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:
     a) Thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật từ những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;
     b) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án;
     c) Quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án;
     d) Triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự.
     Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thì chỉ khi tiến hành tố tụng hình sự đối với những tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng, thì các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới có nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành khám nghiệm hiện trường. Các trường hợp còn lại các cơ quan này không không được giao nhiệm vụ, quyền hạn khám nghiệm hiện trường.
Nếu các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện việc khám nghiệm hiện trường đối với các tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32, điểm b khoản 1 Điều 34, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 36  Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, thì sẽ bị coi là vi phạm khoản 3  Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự (vì khoản 3 Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự không quy định nhiệm vụ, quyền hạn khám nghiệm hiện trường cho những cơ quan này).
     Đây là vấn đề bất cập giữa Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cần được giải đáp. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được coi là có hiệu lực cao hơn hiệu lực của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và theo đó các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tuân thủ theo Bộ luật tố tụng hình sự, khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, mà xét thấy cần thiết phải khám nghiệm hiện trường thì phải báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để cơ quan điều tra có thẩm quyền chủ trì việc khám nghiệm hiện trường theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
     Để giải quyết sự bất cập này đề nghị các cơ quan chức năng trung ương cần ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự./.
       Người thực hiện: Nguyễn Hữu Sơn – Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên – Số điện thoại: 0912369233

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Sơn