Một số kinh nghiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác bắt, tạm giữ hình sự tại các Đồn biên phòng trên địa bàn huyện Mường Nhé

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, nhận thấy có nhiều điểm còn thiếu sót, bất cập, khó khăn của công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bắt tạm giữ tại đồn biên phòng. Trong 03 năm công tác (2013 -2016) tại đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Nhé qua nghiên cứu, làm việc trên thực tế và từ kinh nghiệm của bản thân, tôi xin đưa ra: Một số kinh nghiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác bắt, tạm giữ hình sự tại các Đồn biên phòng trên địa bàn huyện Mường Nhé . Theo quan điểm của cá nhân trong  kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự, vai trò Viện kiểm sát ở đây thực sự là cán cân đảm bảo cân bằng giữa một bên là quyền lực nhà nước (Quyền bắt, tạm giữ của Đồn biên phòng) một bên là quyền và lợi ích hợp pháp, Quyền con người (tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm…) của người bị tạm giữ. Công tác này cũng quan trọng như các khâu công tác kiểm sát khác nhưng  hiện nay chưa có một đề tài khoa học pháp lý nào của nghành kiểm sát nghiên cứu chuyên sâu về công tác kiểm sát bắt tạm giữ, tại đồn biên phòng  mà chỉ về Kiểm sát tạm giữ, tạm giam nói chung. Trong giới hạn hiểu biết, kinh nghiệm công tác của bản thân tôi xin được trình bày các vấn đề sau:
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ BUỒNG TẠM GIỮ CỦA ĐỒN BIÊN PHÒNG TRONG HỆ THỐNG GIAM GIỮ VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA KIỂM SÁT VIỆC TUÂN THEO PHÁP LUẬT TRONG BẮT TẠM GIỮ HÌNH SỰ TẠI CÁC ĐỒN BIÊN PHÒNG.
1.Buồng tạm giữ của đồn biên phòng nằm trong hệ thống tổ chức cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam
Nhà tạm giữ nói chung và Buồng tạm giữ trong Đồn biên phòng nói riêng là cơ quan có chức năng quản lý người bị tạm giữ. Hoạt động tạm giữ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, bổ trợ cho hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự; thực hiện tốt công tác này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự sau này. Về phương diện chính trị, xã hội, công tác này thể hiện rõ quyền lực của Nhà nước trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; đề cao vấn đề dân chủ, nhân quyền trong quá trình phát triển đất nước và xu thế hội nhập quốc tế.
2.Cơ sở pháp lý trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác bắt, tạm giữ hình sự tại các Đồn biên phòng hiện nay được quy định cụ thể trong:
-  Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 2014;
- Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29 tháng 01 năm 2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao);
- Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP ngày 17 tháng 02 năm 2014 Hướng dẫn thực hiện việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt , tạm giữ tại các Đồn biên phòng.
- Quy chế về tạm giữ, tạm giam (Ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ)
- Chỉ thị công tác năm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.
 
II. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC BẮT TẠM GIỮ TẠI CÁC ĐỒN BIÊN PHÒNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MƯỜNG NHÉ (2013 – 2016).
Trên địa bàn huyện Mường Nhé có 05 (năm) đồn biên phòng đóng quân : Đồn Mường Nhé, Đồn Leng Su Sìn, Đồn Sen Thượng, Đồn Nậm Kè, Đồn A Pa Chải. Đây là lực lượng đấu tranh tội phạm hiệu quả, đặc biệt là tội phạm về ma túy trong 03 năm (2013 – 2016) lực lượng đồn biên phòng đã khởi tố 29 vụ án hình sự các tội phạm về ma túy, bắt tạm giữ 30 người chủ yếu là phạm tội quả tang về các hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm (giai đoạn 2013 – 2015) các đồn biên phòng cơ sở vật chất khó khăn nhiều đồn biên phòng còn chưa có buồng tạm giữ hoặc buồng tạm giữ tạm chưa kiên cố.
Trong những năm qua (2013 – 2016) việc tuân theo pháp luật trong việc bắt, tạm giữ hình sự tại Đồn biên phòng, cơ bản đã khắc phục được tình trạng buông lỏng, yếu kém kéo dài những năm trước đây, được thể hiện ở những điểm sau:
Những trường hợp bắt tạm giữ, trường hợp Đồn biên phòng không có nhà tạm giữ,  Đồn trưởng đều cử cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền dẫn giải người có quyết định tạm giữ đến nhà tạm giữ của Công an  huyện Mường Nhé (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 112/2002/TTLT-BQP-BCA ngày 16/8/2002 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn các đồn Biên phòng không có buồng tạm giữ được gửi người bị tạm giữ đến để giam giữ tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam thuộc Bộ Công an quản lý). Đến năm 2016 có 04 Đồn được xây dựng mới có buồng tạm giữ, hiện nay còn Đồn biên phòng Sen Thượng chưa có buồng tạm giữ.
Thực hiện kế hoạch công tác của đơn vị, hàng năm Viện kiểm sát Mường Nhé đều kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác bắt tạm giữ tại các đồn biên phòng, thực hiện tốt việc trao đổi thông tin với các Đồn. Qua kiểm sát ban hành những kiến nghị yêu cầu sửa chữa, phòng ngừa và khắc phục những vi phạm.
Qua kiểm sát việc bắt tạm giữ: Việc bắt tạm giữ được Đồn biên phòng thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP ngày 17 tháng 02 năm 2014. Các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện chủ yếu bắt tạm giữ người có hành vi phạm tội quả tang về tội phạm ma túy, quá trình bắt quả tang đều được thực hiện đúng quy định của LTTHS sau khi bắt người phạm tội quả tang các đồn biên phòng đều thực hiện cách ly đối tượng, ghi lời khai, niêm phong vật chứng, ghi lời khai người làm chứng, người bị hại. Đồn trưởng ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt trong thời gian 24 giờ kể từ khi đã dẫn giải người bị bắt về đến đồn Biên phòng và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Nhé biết.
Qua kiểm sát trực tiếp hồ sơ bắt tạm giữ hình sự thấy rằng hồ sơ được lưu đầy đủ các tài liệu thủ tục cần thiết. Công tác bắt, tạm giữ hình sự cơ bản đươc thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Các trường hợp bắt đều được lâp biên bản. Các quyết định tạm giữ đều có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Hồ sơ tạm giữ đều có: Lệnh bắt (hoặc quyết định truy nã, biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản tiếp nhận người đầu thú, tự thú...); quyết định tạm giữ; biên bản giao, nhận người bị bắt; quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát (trường hợp bắt khẩn cấp và gia hạn tạm giữ); biên bản kiểm tra dấu vết trên thân thể, ghi nhận tình trạng sức khỏe; nhật ký theo dõi quá trình tạm giữ; lệnh trích xuất; biên bản bàn giao khi chuyển người bị tạm giữ cho cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Mường Nhé; lý lịch của người bị bắt tạm giữ ; quyết định trả tự do hoặc thay đổi quyết định tạm giữ; các văn bản của Viện kiểm sát thể hiện kiểm sát việc tạm giữ.
Khi đưa người bị tạm giữ hình sự vào buồng tạm giữ cán bộ Đồn biên phòng đều giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ theo Điều 48 Bộ luật tố tụng hình sự; kiểm tra, xác định tình trạng sức khỏe của người bị tạm giữ; kiểm tra đồ vật mang theo của họ trước khi đưa vào buồng tạm giữ.
Việc kiểm tra xác định sức khỏe của người bị tạm giữ do Quân dân y đồn Biên phòng và những người có liên quan thực hiện.
Về công tác giáo dục: Cán bộ chiến sĩ làm công tác nghiệp vụ Đồn biên phòng đều phổ biến nội quy buồng tạm giữ cho người bị tạm giữ, Đồn trưởng cử cán bộ theo dõi 24/24 người bị tạm giữ kịp thời phát hiện các biểu hiện tiêu cực.
Trong 03 năm (2013 – 2016) không có trường hợp nào người tạm giữ trốn, chết trong buồng tạm giữ, không có khiếu nại tố cáo nào liên quan đến việc bắt, tạm giữ hình sự tại các Đồn biên phòng trên địa bàn huyện.
III. MỘT SỐ KINH NGHIỆM PHÁT HIỆN TỒN TẠI, VI PHẠM THÔNG QUA KIỂM SÁT VIỆC BẮT, TẠM GIỮ HÌNH SỰ TẠI CÁC ĐỒN BIÊN PHÒNG.
Qua thực tiễn công tác bản thân, xin nêu lên một số kinh nghiệm phát hiện tồn tại, vi phạm thông qua kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các Đồn biên phòng:
Một là, Nắm vững Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 2014; Quy chế nghiệp vụ (Quy chế 35/2013); thông tư  số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP ngày 17 tháng 02 năm 2014. Chỉ thị công tác năm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên về chức năng, nhiệm vụ công tác việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Hai là, Quyết định tạm giữ gửi chậm không trong thời hạn 12 giờ cho Viện kiểm sát chưa thực hiện đúng với quy định tại Khoản 3, Điều 86 BLTTHS. Quá trình công tác của đơn vị  trên thực tế tôi thường thấy rằng: Các Đồn biên phòng khi ra Quyết định tạm giữ lại thường gửi cho Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Mường Nhé, sau đó CQĐT mới gửi lên Viện kiểm sát, trong giai đoạn 2013 – 2014 đây là vi phạm thường gặp của các Đồn biên phòng, qua các lần kiểm sát trực tiếp, trao đổi thông tin, Viện kiểm sát huyện Mường Nhé đều ra kiến nghị phòng ngừa và khắc phục vi phạm này, đến nay vi phạm này cơ bản được khắc phục.
Ba là, Khi tiến hành kiểm sát trực tiếp hay đột xuất việc bắt tạm giữ tại các đồn biên biên phòng, yêu cầu Kiểm sát viên, cán bộ kiểm sát phải trực tiếp vào từng buồng tạm giữ tại các Đồn biên phòng để kiểm tra các nội dung:  Buồng tạm giữ có treo biển “buồng tạm giữ hay không”, có bảng nội quy buồng tạm giữ hay không.
Phía trong buồng giam có dán tranh ảnh, viết vẽ lên tường không? Đường dây điện vào bóng đèn, quạt có đảm bảo an toàn không? Nếu trong ngày kiểm sát trực tiếp, đột xuất có người bị tạm giữ đang trong buồng tạm giữ thì kiểm tra tư trang của người bị tạm giữ xem có cất giấu vật cấm không?.
 Buồng tạm giữ hàng ngày có đảm bảo ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ; có thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, duy trì tốt vệ sinh ơi ăn, ở, sinh hoạt, bảo đảm đúng chế độ quy định chưa?.
Buồng tạm giữ có thuận tiện, đủ ánh sáng cho người bị tạm giữ không?
Bốn là, qua kiểm tra hồ sơ tạm giữ những vi phạm điển hình thường gặp như: Tài liệu trong hồ sơ chưa được đánh số thứ tự, chưa có bản thống kê kèm theo chưa đúng quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số: 01/2014/TTLT – VKSTC – BQP ngày 17/02/2014: “...Tài liệu trong hồ sơ phải được đánh số thứ tự, có bản thống kê kèm theo và được quản lý cũng các loại sổ sách theo dõi thủ tục, chế độ tạm giữ theo quy định của pháp luật.”
Năm là, Về chế độ ăn, ở, mặc đối với người tạm giữ theo quy định tại điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP.
Thực tế kinh nghiệm công tác cho thấy kiểm sát chế độ ăn, ở, mặc đối với người tạm giữ các Đồn biên phòng đều không thực hiện được đều này, bởi lẽ các Đồn biên phòng trên địa bàn huyện chỉ tạm giữ trong khoảng thời gian 12-24 giờ sau đó chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Mường Nhé để điều tra theo thẩm quyền. Các đồn biên phòng cũng không lưu chứng từ, sổ sách đối với việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ. Đây là vi phạm điển hình thường gặp trong các lần kiểm sát đồn biên phòng.
Sáu là,Về thủ tục tạm giữ theo Điều 7 Thông tư liên tịch số: 01/2014/TTLT – VKSTC – BQP ngày 17/02/2014: Việc kiểm tra thân thể là nữ do các đồn Biên phòng không có quân nhân nữ hoặc công nhân viên quốc phòng là nữ thì nên Đồn trưởng đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương nơi đóng quân, mời một công dân nữ ở địa phương giúp thực hiện việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ. Qua công tác kiểm sát thường thấy biên bản kiểm tra dấu vết trên thân thể không được thể hiện việc tham gia của nữ công dân địa phương trong việc kiểm tra thân thể của người bị tạm giữ là nữ.
Từ những phân tích trên cho thấy; mỗi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên khi tham gia trực tiếp kiểm sát việc bắt tạm giữ hình sự tại các Đồn biên phòng phải có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; giàu kinh nghiệm thì mới phát hiện được các tồn tại, vi phạm của Đồn biên phòng
 
IV.NHỮNG KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC KIỂM SÁT VIỆC TUÂN THEO PHÁP LUẬT TRONG CÔNG TÁC BẮT, TẠM GIỮ TẠI CÁC ĐỒN BIÊN PHÒNG.
1. Hệ thống văn bản pháp luật và các quy phạm pháp luật về những vấn đề liên quan đến việc bắt, tạm giữ hình sự tại các đồn biên phòng nhiều điểm còn chồng chéo, không còn phù hợp hoặc tính thực tiễn không cao.
 Khó khăn trong việc áp dụng các quy định của Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP ngày 17/02/2014. Tôi xin được chỉ ra những quy định mà theo bản thân là chưa phù hợp:
1.1.          Về trực tiếp kiểm sát tại các đồn biên phòng.
Thứ nhất, Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ hình sự tại đồn Biên phòng được thực hiện theo Điều 14 Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP quy định:
“ Định kỳ một năm một lần, các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bắt, tạm giữ hình sự đối với các đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn có buồng tạm giữ hình sự nếu có việc bắt, tạm giữ hình sự...”
Thực tế quá trình công tác tại đơn vị qua các lần trực tiếp kiểm sát thấy rằng việc định kỳ kiểm sát 01 năm/1 lần chỉ kiểm sát được thủ tục, hồ sơ, sổ sách mà không gặp được trực tiếp người tạm giữ, Quyết định và Kế hoạch là trực tiếp kiểm sát nhưng thực chất là dưới hình thức gián tiếp, vì chỉ kiểm tra được hồ sơ, sổ sách, trong khi đó thời gian kiểm sát thì cách thời điểm bắt tạm giữ dài đến cả tháng thậm chí gần cả năm. Nên không thể đối chiếu với người bị tạm giữ theo quy định của pháp luật theo khoản 02 Điều 14 Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP: “Kiểm sát việc lập hồ sơ, lưu giữ tài liệu, ghi chép sổ theo dõi và đối chiếu với người bị tạm giữ theo quy định của pháp luật…”
Thứ hai, thủ tục trực tiếp kiểm sát theo khoản 3, Điều 14 Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP
“Trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát theo định kỳ hoặc đột xuất phải có quyết định, kế hoạch; nội dung quyết định, kế hoạch thực hiện theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao…”

          Quy định trên không quy định rõ là Kiểm sát đột xuất quyết định và kế hoạch có phải gửi đến Đồn biên phòng hay không. Theo quan điểm cá nhân Kiểm sát đột xuất được hiểu là kiểm sát ngay tức thì, không báo trước để phát hiện vi  phạm, yêu cầu chấm dứt vi phạm ngay lập tức, xét thấy cần phải kiểm sát thì phải tiến hành thể kiểm sát ngay bất kỳ thời gian nào, không kể là ngày hay đêm, miễn là khi kiểm sát viên nhận được nguồn thông tin đáng tin cậy, có cơ sở để xác định là có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình bắt tạm giữ. Nếu quy định là kiểm sát đột xuất phải có Quyết định, và kế hoạch nội dung quyết định, kế hoạch thực hiện theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là chưa phù hợp với thực tiễn.

Hiện nay theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì mẫu, Quyết định và Kế hoạch kiểm sát đều yêu cầu Đồn trưởng Đồn biên phòng phải báo cáo bằng văn bản, chuẩn bị hồ sơ, sổ sách, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm sát và tạo điều kiện thuận lợi để cuộc kiểm sát đạt kết quả. Điều đó đồng nghĩa với việc Quyết định và kế hoạch phải gửi trước cho Đồn biên phòng, quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng Đồn biên phòng sẽ có những ứng phó phù hợp để né tránh những vi phạm, ý nghĩa của việc kiểm sát đột xuất sẽ không còn.
Trên thực tế, chẳng hạn tại các đồn biên phòng trên địa bàn huyện có trường hợp trốn hoặc có vi phạm pháp luật của các đồn trong việc bắt tạm giữ nhưng vì quy định của khoản 3, Điều 14 Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP mà phải ban hành Quyết định, kế hoạch kiểm sát đột xuất gửi trước cho đồn biên phòng thì Viện kiểm sát không thể phát hiện vi phạm mà xử lý được
1.2.      Kiểm sát Công tác Chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản còn tại Đồn biên phòng khó thực hiện.
Trước đây, trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003, hai thuật ngữ này đã xuất hiện và được gọi chung là “danh chỉ bản”; tuy nhiên, chưa có quy định nào định nghĩa hay chi tiết về  “danh chỉ bản”. Đến năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về “danh chỉ bản”. Cụ thể, tách thuật ngữ trên thành “danh bản” và “chỉ bản” với những phân biệt rõ ràng hơn, quy định chi tiết về nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan có thẩm quyền trong việc lập danh bản và chỉ bản.
-  Danh bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch, nhân dạng, ảnh chụp ba tư thế, in dấu vân hai ngón tay trỏ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
Chỉ bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch và in dấu vân tay của tất cả các ngón của người bị tạm giữ, người bị tạm giam do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
Việc lập danh bản, chỉ bản có ý nghĩa trong việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, nhận dạng người bị tạm giữ, trường hợp người bị tạm giữ trốn thì việc truy bắt thuận lợi hơn,….
Dưới góc độ là người áp dụng pháp luật vào trong thực tiễn và qua quá trình công tác bản thân tôi còn thấy một số vướng mắc như sau:
-Khoản 3, Điều 126 BLTTHS 2003 quy định: “ …Sau khi khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải chụp ảnh, lập danh chỉ bản của bị can và đưa vào hồ sơ vụ án…”
-Khoản 5 Điều 179 BLTTHS 2015 quy định: “….Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản của người bị khởi tố và đưa vào hồ sơ vụ án...”
Trên thực tế Đồn biên phòng trên địa bàn huyện chỉ tạm giữ trong khoảng thời gian 12-24 giờ sau đó chuyển cho Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Mường Nhé để điều tra theo thẩm quyền. Lúc này thường chỉ có Quyết định khởi tố vụ án hình sự do Đồn biên phòng khởi tố. Sau đó người bị tạm giữ được bàn giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra, CQCSĐT mới ra quyết định khởi tố bị can.
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 01 liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP thì Đồn biên phòng  phải lập danh bản, chỉ bản. Quy định lập danh bản chỉ khi chưa có quyết định khởi tố bị can đều này qua kinh nghiệm bản thân cho thấy đây là điểm chồng chéo giữa thông tư và quy định của Luật. Nếu cứ thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP thì việc lập danh bản, chỉ bản phải lập thành hai lần giữa hai cơ quan khác nhau về cùng một người bị tạm giữ. Điều này khiến cho cho công tác kiểm sát việc lập danh bản, chỉ bản của đồn biên phòng vẫn còn nhiều bất cập trong việc áp dụng pháp luật.
Qua các lần kiểm sát thấy rằng việc lập danh bản, chỉ bản của các đồn biên phòng đều không thực hiện, Việc hai văn bản quy phạm pháp luật quy định 02 cơ quan đều lập danh bản, chỉ bản còn liên quan đến số hiệu của Địa phương (Kí hiệu: ĐP), Trung ương (Kí hiệu: TW). Việc quy định như Thông tư 01 liên tịch số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP theo tôi như vậy là chưa phù hợp.
 
2.      Việc thực hiện quy định của Khoản 3 Điều 86 BLTTHS trên thực tế.
Một số Đồn biên phòng ở xa trung tâm huyện Mường Nhé, như Đồn A Pa Chải cách Trung tâm huyện Mường Nhé khoảng 70km nên việc gửi Quyết định tạm giữ còn chậm chưa trong thời hạn 12 giờ, nhưng nhận thấy do điều kiện đi lại khó khăn, khoảng cách xa nên Viện kiểm sát yêu cầu Đồn biên phòng thông báo qua điện thoại cho Viện kiểm sát trước. Đây là điểm linh hoạt trong việc áp dụng pháp luật theo tinh thần của khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số: 01/2014/TTLT – VKSTC – BQP ngày 17/02/2014 theo đó quy định việc Đồn biên phòng có trách nhiệm thông báo cho Viện kiểm sát biết khi Đồn trưởng đồn biên phòng ra Quyết định tạm giữ.
 
V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC TUÂN THEO PHÁP LUẬT TRONG CÔNG TÁC BẮT, TẠM GIỮ HÌNH SỰ TẠI CÁC ĐỒN BIÊN PHÒNG.
 
          1.Tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin, có quy chế phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân với các Đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân với Đồn biên phòng, qua trao đổi thông tin, họp liên nghành; Ký quy chế phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát và Đồn biên phòng theo đó nội dung quy chế có:  Công tác kiểm sát các nội dung theo đúng các quy định của pháp luật; trách nhiệm của mỗi bên khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, cũng như các nội dung đã cam kết.
 
2.Sửa đổi những nội dung chưa phù hợp trong thông tư  số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP ngày 17/02/2014.
- Sửa đổi phần kiểm sát định kỳ theo hướng: “…Định kỳ 6 tháng/1 lần hoặc 1 năm/lần, các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bắt, tạm giữ hình sự đối với các đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn có buồng tạm giữ hình sự nếu có việc bắt, tạm giữ hình sự…”. Vì thực tế công tác của bản thân cho thấy có Đồn biên phòng có số bắt tạm giữ hình sự nhiều như Đồn Leng Su Sìn 2016 có 5 người bị bắt tạm giữ hình sự. Nếu kiểm sát 1 năm/1 lần thì sẽ dẫn đến những tồn tại và vi phạm kéo dài trong năm không được khắc phục ngay, sửa đổi phần kiểm sát định kỳ theo hướng 6 tháng hoặc 1 năm sẽ đảm bảo quy định được áp dụng một cách linh hoạt.
- Sửa đổi phần kiểm sát đột xuất theo hướng: …“Trước khi tiến hành kiểm sát  đột xuất phải có quyết định, kế hoạch; nội dung quyết định, kế hoạch thực hiện theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Quyết định và kế hoạch kiểm sát đột xuất không cần gửi trước cho Đồn biên phòng…”
-  Đối với người bị bắt, tạm giữ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Đồn biên phòng, phải chuyển hồ sơ để giải quyết theo thẩm quyền, do thời gian tạm giữ các trường hợp này tại các buồng tạm giữ ở Đồn biên phòng ngắn nên không cần quy định phải lập danh bản và chỉ bản. Việc lập danh bản, chỉ bản sẽ do công an huyện lập sau khi chuyển người bị tạm giữ và người bị tạm giữ có Quyết định khởi tố bị can. 
3. Công tác tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm của cán bộ ngành kiểm sát.
Để thực hiện có hiệu quả công tác này; đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải có trình độ, năng lực nhất định; nắm vững các văn bản pháp luật trong lĩnh vực bắt, tạm giữ; các quy trình về công tác kiểm sát bắt tạm giữ. Phải nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung trọng tâm của công tác này để tập trung thực hiện tốt.
Để công tác bắt, giữ hình sự và công tác kiểm sát đi vào nề nếp, thực hiện nghiêm từ việc kiểm sát bắt tạm giữ ban đầu, khi nhận được Quyết định tạm giữ phải tiến hành kiểm tra ngay tính có căn cứ và hợp pháp của việc tạm giữ; Công tác lập hồ sơ tạm giữ, quản lý, canh gác, dẫn giải người tạm giữ đến Cơ quan điều tra, việc thực hiện các chế độ đối với người bị tạm giữ được đảm bảo; đồng thời phát hiện những vi phạm, tồn tại trong việc bắt, tạm giữ, và những sơ hở trong quản lý, canh gác, bảo vệ dẫn đến người bị tạm giữ, tự sát, vi phạm nội quy buồng tạm giữ, ,… VKS có nhiệm vụ kiểm sát thường xuyên, liên tục bằng cách trao đổi thông tin với Đồn biên phòng để nắm được số mới tạm giữ tại các Đồn biên phòng để kịp thời chấn chỉnh, khác phục những tồn tại và vi phạm.
4. Nâng cao chất lượng của kiến nghị, kháng nghị.
- Biện pháp kiến nghị, kháng nghị nhằm mục đích, khắc phục, sửa chữa, phòng ngừa và chấm dứt vi phạm trong lĩnh vực này càng có ý nghĩa quan trọng vì biện pháp bắt, tạm giữ cũng trực tiếp tác động đến quyền con người, đến quyền tự do, dân chủ của công dân, có tác động nhiều mặt trong xã hội. Do vậy, kiến nghị, kháng nghị là một biện pháp nghiệp vụ áp dụng khi phát hiện những việc được xác định là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm pháp luật, những việc nếu không có biện pháp khắc phục sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc việc đang vi phạm pháp luật. Viện kiểm sát kiến nghị, kháng nghị đến cơ quan có thẩm quyền, người có trách nhiệm để có biện pháp phòng ngừa, khắc phục, chấm dứt vi phạm. Kiến nghị tránh hình thức, không hiệu quả, lấy chỉ tiêu, thành tích, phải dựa trên những quy định của pháp luật.
5. Kiện toàn hệ thống, sổ sách, hồ sơ, tài liệu:
Kiến nghị liên nghành trung ương kiện toàn hệ thống, sổ sách, tài liệu theo mẫu chung thống nhất giữ Bộ công an và Bộ quốc phòng để công kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong bắt, tạm giữ hình sự của Đồn biên phòng nói riêng và của Nhà tạm giữ nói chung được đồng bộ và thống nhất.
6. Chú trọng tăng cường kiểm sát định kỳ và đột xuất.
Ngoài kiểm sát định kỳ theo chỉ tiêu 1 năm/1 lần các Đồn biên phòng có bắt, tạm giữ hình sự nên tăng cường kiểm sát đột xuất,  áp dụng đầy đủ các biện pháp pháp luật để loại trừ vi phạm. Đột xuất kiểm sát cần được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc xét thấy cần thiết, nội dung kiểm sát đột xuất cần tập trung vào một vấn đề thấy cần thiết.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Đỗ