Định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội mua bán người, thực tiễn trên địa bàn huyện Mường Nhé

Là một cán bộ trong nghành Kiểm sát, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Nhé, một địa bàn nằm sát đường biên giới, tiếp giáp Lào và Trung Quốc. Việc mất cân bằng giới tính của Trung Quốc đã tạo ra sự gia tăng hoạt của tội phạm mua bán người , mà chủ yếu là mua bán phụ nữ qua biên giới vì mục đích mại dâm và cưỡng ép hôn nhân trái pháp luật, lao động trái phép bên nước bạn. Do đó, Mường Nhé được xác định là một trong các huyện trọng điểm ở Điện Biên  là địa bàn có nhiều nạn nhân của tội phạm mua bán người. Chính vì lẽ đó qua nghiên cứu các tài liệu liên quan, làm việc trên thực tế và từ kinh nghiệm của bản thân, trong phạm vi bài viết xin được trình bày về vấn đề: “Định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội mua bán người, thực tiễn trên địa bàn huyện Mường Nhé.
 
NỘI DUNG.
I. ĐỊNH TỘI DANH VÀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI TỘI MUA BÁN NGƯỜI.
1. Cơ sở pháp lý.
Bộ luật hình sự năm 1999 đang có hiệu lực quy định : (5)
Điều 119. Tội mua bán phụ nữ 
1. Người nào mua bán phụ nữ thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm:
a) Mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Để đưa ra nước ngoài;
đ) Mua bán nhiều người;
e) Mua bán nhiều lần.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.   
Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 quy định(5)
Điều 150. Tội mua bán người
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với từ 02 đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Từ nghiên cứu, làm việc trên thực tế, trong việc Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, đặc biệt là khi tiếp nhận tin báo, phê chuẩn khởi tố, truy tố đối với tội Mua bán người hiện nay áp dụng BLHS 1999 còn nhiều điểm chưa hợp lý, nên trong phạm vi bài viết qua tham khảo các tài liệu liên quan tôi xin trình bày về Định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội Mua bán người trong BLHS 2015có so sánh với BLHS 1999.
2. Định tội danh đối với tội Mua bán người.
2.1. Khái niệm tội Mua bán người.
Mua bán người được hiểu là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện các hành vi trên.
2.2. Định tội danh đối với Tội mua bán người.
          Các dấu hiệu của tội phạm:
a)Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:
–  Có hành vi mua bán người để thu lợi bất chính. Hành vi này thể hiện dưới hình thức dùng tiền, tài sản hoặc các phương tiện thanh toán khác đê đổi lấy người (nhằm đem bán) hoặc ngược lại để thu lợi từ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Trên thực tế việc mua bán người được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, thông thường được thực hiện một cách lén lút với các hình thức thanh toán đa dạng có thể bằng tiền, bằng tài sản khác, bằng hàng hoá…
-  Có hành vi Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
- Hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện các hành vi trên.
Hậu quả của hành vi mua bán người là người đó đã bị mua, bị bán. Nhưng nếu người phạm tội đã thực hiện các hành vi nhằm mua, nhằm bán, nhưng việc mua bán chưa xảy ra thì cũng không vì thế mà cho rằng chưa phạm tội mà trường hợp phạm tội này là phạm tội chưa đạt. 
 Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội không phụ thuộc vào việc bị hại có biết hay không biết mình bị mua bán.
b)Khách thể:
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm của con người. Người bị hại phải là người đạt từ đủ mười sáu tuổi trở lên. Trường hợp người bị hại dưới mười sáu tuổi thì cấu thành tội mua bán trẻ em (theo Điều 120 BLHS 1999) và Cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi (Trong BLHS 2015).
c)Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Người phạm tội phải nhận thức được hành vi của mình là hành vi mua bán người và cố ý thực hiện hành vi phạm tội thì mới là phạm tội mua bán người, nếu họ không nhận thức được hành vi của mình là hành vi mua bán phụ nữ thì không phải là tội phạm.
Mục đích tội phạm vì vụ lợi (để thu lợi bất chính), tuy nhiên đây không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
d)Chủ thể:
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Người phạm tội có thể là người mua, có thể là người bán hoặc có thể họ vừa là người mua, vừa là người bán.
 
3. Quyết định hình phạt đối với tội Mua bán người.
Mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành các khung cụ thể trong Điều 150 BLHS 2015 (được chia thành 4 khung) như sau:
3.1.Khung một (khoản 1  Điều 150 BLHS 2015): Có mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Được áp dụng đối với trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan:
1.Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
3.2. Khung hai (khoản 2 Điều 150 BLHS 2015): Mức hình phạt từ 08 năm đến 15 năm, khi phạm tội thuộc một các trường hợp sau:
a)Có tổ chức.
Cũng giống như trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội mua bán phụ nữ có tổ chức là trường hợp nhiều người tham gia, trong đó có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy có người trực tiếp thực hiện tội phạm, có người xúi giục, hoặc giúp sức, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm thế nào để mua được, để mua bán được người. Mua bán người có tổ chức là trường hợp phạm tội nguy hiểm hơn trường hợp phạm tội không có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức do có sự phận công, cấu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm nên chúng dễ dàng thực hiện việc mua bán phụ nữ và cũng dễ dàng che giấu hành vi phạm tội của mình.
b) Vì động cơ đê hèn:
Động cơ đê hèn được hiểu là người phạm tội thực hiện tội phạm với động cơ rất xấu xa, thấp hèn, đáng khinh bỉ, không kẻ gì đến danh dự, nhân phẩm, tư cách của một con người.
Động cơ của bị cáo thúc đẩy bởi những động lực mang tính chất hèn nhát, bội bạc, phản trắc cao, ích kỉ, không có tính người.
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Trường hợp này BLHS 2015 có nêu cụ thể hơn so với BLHS 1999 chỉ nêu: Để đưa ra nước ngoài.
Thực tế trên địa bàn huyện Mường Nhé với mỗi nạn nhân đưa được sang bên kia biên giới, bằng con đường chính thức qua các cửa khẩu, hoặc không chính thức qua các đường tiểu ngạch hay vượt biên trái phép các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có thể kiếm được cả trăm triệu đồng. Món tiền quá lớn khiến nhiều kẻ không từ thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, vụ việc thường xảy ra ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu khiến lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai các phương án ngăn chặn, truy bắt.
Nạn nhân của các vụ án mua bán người trên địa bàn huyện Mường Nhé, khi đặt chân sang bên kia biên giới thường bị bán làm vợ đàn ông Trung Quốc hoặc bị bán vào các động mại dâm và phần lớn có cuộc sống hết sức cơ cực.
Hành vi mua bán người để đưa nạn nhân ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Thực tiễn cho thấy mức độ nguy hiểm của hành vi Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới so với có ý định đưa người phụ nữ bị mua bán ra khỏi biên giới có mức nguy hiểm gần như bằng nhau, chẳng qua có ý định đưa nạn nhân ra khỏi biên giới là trường hợp phạm tội chưa đạt ở tình tiết này,  thiết nghĩ điều luật nên quy định thêm trường hợp “có ý định đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;”
e) Đối với 02 đến 05 người.
So với điểm e khoản 2 Điều 119 BLHS 1999 chỉ quy định: “Đối với nhiều người” mà không quy định cụ thể là bao nhiêu người, rõ ràng là điều bật cập khi định khung hình phạt người phạm tội mua hoặc bán được 2 người so với người mua hoặc bán hàng chục người mà chịu một khung hình phạt thì chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi. Do vậy đây là điểm sửa đổi hợp lý của BLHS 2015.
Đây là trường hợp có từ 02 người đến 05 người bị người phạm tội mua bán, trong đó có thể có người bị đưa ra khỏi biên giới, có người không bị đưa ra khỏi biên giới hoặc tất cả bị đưa ra khỏi biên giới. Nếu có người bị đưa ra khỏi biên giới thì người phạm tội vừa mua bán quy định tại điểm e (Đối với 02 đến 05 người) vừa để nạn nhân ra khỏi biên giới (hai tình tiết định khung).
Mua bán từ 02 đến 05 người trở lên phải chịu khung hình phạt ở khoản 2 Điều 150 BLHS 2015, việc quy đinh như vậy phán ánh tính chất và mức độ nguy hiểm rất nghiêm trọng của hành vi.
g) Phạm tội từ 02 lần trở lên.
Đây thực chất là Mua bán nhiều lần là trường hợp người phạm nhiều lần thực hiện hành vi mua bán người và mỗi lần hành vi mua bán đã cấu thành tội mua bán người.
Mua bán từ hai lần trở lên, có thể mỗi lần mua bán một người phụ nữ, nhưng cũng có thể trong các lần mua bán đó có lần mua bán nhiều người, nếu có lần mua bán nhiều người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 hoặc điểm đ khoản 3  và điểm g khoản 2 Điều 150 BLHS 2015.
Trường hợp, chỉ có một phụ nữ bị bán hoặc bị mua nhưng người phạm tội đã mua bán nhiều lần (từ hai lần trở lên) đối với cùng một phụ nữ thì cũng bị coi là phạm tội từ hai lần trở lên.
3.3. Khung ba (Khoản 3 Điều 150 BLHS 2015), Mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm được coi là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, khi phạm tội thuộc một các trường hợp sau:
a)    Có tính chất chuyên nghiệp.
Phạm tội mua bán phụ nữ có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc mua bán phụ nữ là nguồn sống chính cho mình. 
Người phạm tội đã lấy việc phạm tội là nguồn thu nhập chính của bản thân, tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là tình tiết định khung tăng nặng của một số tội phạm, trong đó có tội mua bán người. Việc nhà làm luật coi trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng là yếu tố định khung hình phạt là một yêu cầu cần thiết do thực tiễn xét xử đặt ra.
          Khi áp dụng tình tiết này, cần lưu ý rằng khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi, lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống. Ví dụ: A là một kẻ sống lang thang không nghề nghiệp thường xuyên lên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook… để tán tỉnh yêu đương nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin, rủ đi chơi ở chợ cửa khẩu, hoặc khu vực biên giới rồi mang bán sang Trung quốc lấy tiền tiêu xài.
Tuy nhiên, không phải hành vi phạm tội nào cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần đều coi là có tính chất chuyên nghiệp, mà chỉ những hành vi mà người phạm tội coi đó là phương tiện kiếm sống thì mới là có tính chất chuyên nghiệp. 
Căn cứ Tại Mục 5.1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự có hướng dẫn về tình tiết “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” 
5.1. Chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;
- Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.
So với BLHS 1999 quy định “ Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” và BLHS 2015 quy định : “Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”, rõ ràng trong tưởng tượng đây là hành vi rất man rợn, không còn tính người, theo quan điểm cá nhân tôi nên để nguyên  “Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” như BLHS 1999, chứ không để hậu quả việc nạn nhân đã mất đi bộ phận cơ thể mới được áp dụng khoản 3, Điều 150. Chỉ cần chứng minh người thực hiện hành vi mua bán người nhằm lấy bộ phận cơ thể nạn nhân là đã đủ điều kiện để áp dụng khoản 3. Thực tế trên thực tế có nhiều sự việc, cơ quan điều tra phát hiện đường dây mua bán người để lấy nội tạng.
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, kẻ phạm tội có thể dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác xâm hại đến tâm lý hoặc cơ thể của nạn nhân gây nên rối loạn tâm thần và rối loạn hành vi, trong thực tế rất nhiều nạn nhân sau khi trở về có biểu hiện thần kinh, một số mang thai và mang về con nhỏ, có nạn nhân thì bị tàn tật, tổn thương.
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
Nạn nhân đã chết hay có hành vi tự sát thì phải chịu khung hình phạt ở khoản 3, Điều 150 BLHS, cần lưu ý rằng nạn nhân chết hoặc tự sát là hậu quả của hành vi mua bán người gây ra, cần phân biệt đối với tội bức tử mặc dù nạn nhân cũng do quá uất ức và tủi nhục mà hành vi mua bán người gây ra.
đ) Đối với 06 người trở lên:
Mua bán từ 06 người trở lên phải chịu khung hình phạt ở khoản 3 Điều 150 BLHS 2015, việc quy đinh như vậy phán ánh tính chất và mức độ nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng của hành vi.
          e) Tái phạm nguy hiểm:
Trong trường hợp này Tái phạm nguy hiểm được chiếu theo quy định tại Điều 53 BLHS 2015: “ … 2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
- Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
- Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.”
3.4. Hình phạt bổ sung: Ngoài các khung hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể và các tình tiết có giá trị chứng minh trong vụ án người phạm tội còn có thể:
- Khoản 3 Điều 119 BLHS 1999: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”
- Khoản 4 Điều 150 BLHS 2015: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
II. THỰC TRẠNG DIỄN BIẾN TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MƯỜNG NHÉ.
 
1.     Thực trạng.
Trong giai đoạn từ năm 2015- tháng 8/2017, qua công tác kiểm sát từ giai đoạn tin báo, tố giác tội phạm, điều tra, chuyển các vụ án cho cấp tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền lực lượng chức năng đã tổ chức điều tra triệt phá 08 vụ với 14 đối tượng. (4)
Mường Nhé là huyện duy nhất trong tỉnh Điện Biên có đường biên giáp cả Trung Quốc và Lào. Tình hình hoạt động cùa tội phạm mua bán người qua biên giới , mua bán để bóc lột tình dục (vì mục đích mại dâm), cưỡng bức lao động vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và tính chất nguy hiểm cho xã hội. Những năm qua, trên địa bàn huyện, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, xu hướng ngày càng gia tăng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong quá trình chứng minh tội phạm. Dự báo trong thời gian tới tình hình nạn mua bán người trên địa bàn huyện sẽ còn diễn biến phức tạp.
Thực trạng này đang là vấn đề nóng của toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang trong dư luận, tác động xấu đến đạo đức xã hội, nhân phẩm của con người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Kết quả điều tra các vụ án cho thấy, các đối tượng phạm tội liên kết với nhau chặt chẽ hơn, hình thành rõ rệt các đường dây tội phạm từ biên giới và nội địa, ra nước ngoài và triệt để lợi dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành việc tuyển mộ, mua bán, vận chuyển nạn nhân ra nước ngoài, cá biệt có trường hợp tội phạm mua bán người đã từng là nạn nhân bị mua bán, sau lại quay trở lại dụ dỗ, lừa bán người sang Trung Quốc. Số nạn nhân là người dân tộc thiểu số chủ yếu là người Mông.
Nhìn lại những vụ án mua bán người thời gian gần có thể thấy các đối tượng mua bán người thường tổ chức thành đường dây mua bán người rất chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài biên giới, lợi dụng những sơ hở của lực lượng tuần tra kiểm soát trên biên giới, lợi dụng vào các đường mòn, lối mở đưa người qua bên Trung Quốc để bán, hoạt động tội phạm này vẫn không giảm, trái lại, có chiều hướng gia tăng ngày càng phức tạp.
 
2.     Nguyên nhân của tội phạm Mua bán người.
Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu , do trình độ học vấn thấp, hiểu biết hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm nên dễ bị bọn tội phạm lừa gạt, dụ dỗ, lôi kéo bằng nhiều thủ đoạn tinh vi khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát như: giúp đỡ tìm việc làm, đi làm ăn buôn bán, thăm thân yêu đương, đưa đi du lịch… sau đó đưa nạn nhân qua biên giới rồi bán cho các đối tượng ở Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép làm gái bán dâm.
Một số đối tượng từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, khi quay trở về địa bàn dưới danh nghĩa thăm thân đã cấu kết với đối tượng trên địa bàn để lừa gạt và đưa các nạn nhân bán sang Trung Quốc.
Hầu hết phụ nữ bị mua bán phải chịu cuộc sống cực khổ ở nước ngoài, không biết tiếng bản địa, không hiểu phong tục tập quán và pháp luật của nước sở tại nên khó có thể cầu cứu các cơ quan chức năng. Một số người may mắn được cơ quan chức năng của Việt Nam, Trung Quốc phát hiện giải cứu hoặc tự trốn về nước an toàn nhưng bị ảnh hưởng về tâm lý, điều kiện vật chất để ổn định cuộc sống…
 
3.Thủ đoạn phạm tội
Gần đây, quá trình kiểm sát điều tra và truy tố đơn vị đã phát hiện một số thủ đoạn mới của các đối tượng mua bán người. Các đối tượng người Trung Quốc lợi dụng mối quan hệ dân tộc, thân tộc câu kết với các đối tượng người Việt Nam để lừa gạt, đưa phụ nữ (hầu hết đã có con) qua biên giới, rồi bắt cóc đưa đi bán. Cá biệt, có trường hợp nạn nhân bị chính người thân trong gia đình lừa qua biên giới bán. (7)
Còn các đối tượng gồm cả người Việt Nam và người Trung Quốc giả danh là người từng đi Trung Quốc về có cuộc sống ổn định và sung sướng, làm quen các phụ nữa trên các tài khoản xã hội facebook, zalo… tìm kiếm, làm quen với những phụ nữ dân tộc Mông ở Việt Nam đang còn trẻ có nhu cầu tìm việc làm hoặc lấy chồng, sau đó dụ dỗ, lừa gạt bán sang Trung Quốc. Lừa gạt rằng sang bên Trung Quốc sẽ có cuộc sống sung sướng và giàu có không phải đi làm nương. (7)
 
III. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ĐỊNH TỘI DANH VÀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT ĐỐI TỘI MUA BÁN NGƯỜI.
Qua thực tiễn công tác, qua thực hiện nhiệm vụ khi Thực hành quyền công tố - Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự về tội Mua bán người nhận thấy vấn đề xác định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội mua bán người có nhiều vướng mắc và khó khăn.
Thứ nhất, Khi xác định vai trò đồng phạm: Hầu như vụ án mua bán người nào cũng có đồng phạm, các đồng phạm này đều có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy có người trực tiếp thực hiện tội phạm, có người xúi giục, hoặc giúp sức. Rất ít có trường hợp chỉ là đồng phạm giản đơn đều là người thực hiện. Nhưng khi tuyên án việc xác định, đánh giá vai trò đồng phạm trong phần xét thấy của bản án còn khó xác định vai trò đồng phạm. Vì vậy khi đưa ra các mức hình phạt đối với từng đồng phạm trong các vụ án chưa tương xứng với hành vi thực hiện.
Thứ hai, Việc xử lý đối với các đối tượng mua bán người ở bên kia biên giới của các cơ quan tố tụng còn bỏ sót, chỉ khi nạn nhân về Việt Nam tố giác người phạm tội thì chỉ có người phạm tội ở Việt Nam bị xử lý, còn đồng phạm bên kia biên giới thường ít khi bị xử lý. Cơ quan tố tụng thường ít động chạm đến do người phạm tội có quốc tịch quốc gia khác, dẫn đến tình trạng có nhiều vụ án chỉ xử lý đối với đồng phạm là người Việt Nam là kẻ đưa người thuê còn kẻ chủ mưu, cầm đầu hoặc xúi giục thì lại không xử lý được.
Thứ ba, Xác định tình tiết đưa nạn nhân ra khỏi biên giới nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên thực tế còn nhiều khó khăn, có trường hợp nạn nhân bị đưa ra khỏi biên giới để bán cho người nước ngoài, nhưng sau đó có cuộc sống sung túc, sung sướng hơn, khi trở về nước lại khai là tự nguyện đi sang hoặc mới chỉ có ý định đưa nạn nhân ra khỏi biên giới.  Nên xử lý các trường hợp mua bán người khi “Đưa người ra nước ngoài” (điểm đ khoản 2 Điều 119 BLHS 1999), hoặc đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (điểm đ khoản 2 Điều 150 BLHS 2015), trên thực tế còn nhiều trường hợp khó xác định.
Công tác điều tra, xử lý tội phạm mua bán người được Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Nhé đốc thúc các cơ quan hữu quan giải quyết kịp thời, đạt tỷ lệ cao, tạo được niềm tin trong nhân dân, thúc đẩy được phong trào toàn dân bảo về An ninh tổ quốc, ngăn chặn được nhiều đối tượng ra đầu thú… Do vậy, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện Mường Nhé được phần nào được kiềm chế góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
 
IV. GIẢI PHÁP - KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT.
Nhằm chủ động đấu tranh ngăn chặn hành vi mua bán người qua biên giới, cần tích cực điều tra, nắm tình hình, xác định các tuyến, địa bàn trọng điểm. Đặc biệt, tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, lối mở, rà soát lên danh sách các đối tượng nghi vấn, thiết lập đường dây nóng, tổ chức giao ban với lực lượng chức năng Trung Quốc để trao đổi thông tin, phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân, xác lập chuyên án, vụ án đấu tranh.(7).
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, người bị mua bán trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng thì các cấp, các ngành, các đoàn thể và chính quyền địa phương phải quan tâm đến công tác phòng, chống mua bán người, coi đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, chứ không chỉ là trách nhiệm riêng của khối tố tụng, có chính sách ưu tiên, tạo việc làm cho nạn nhân bị mua bán trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới khó khăn; phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. (7)
KẾT LUẬN
Mua bán người là một loại tội ác vi phạm nghiêm trọng quyền con người và diễn biến ngày càng phức tạp, và tinh vi. Ở Việt Nam, loại tội phạm này đã xảy ra trên cả nước. Việc Định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội mua bán người trở nên quan trọng, việc xác định tội danh đúng, mức hình phạt phù hợp với hành vi nguy hiểm, từ đó người phạm tội bị trừng trị thỏa đáng, ngăn ngừa phạm tội, giáo dục được người khác có ý thức tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống loại tội phạm này có hiệu quả.
 
                                                                                      
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.
 
1. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự, phần các tội phạm – Tập 1 Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Trang 257 – 267 – Đinh Văn Quế, Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao.
2.  Nguyễn Ngọc Hòa (2008), Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
3. Đinh Văn Quế (2000) Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999, phần chung, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh.
4. Báo cáo tổng kết hàng năm công tác Thực hành quyền công tố và Kiểm sát hoạt động tư pháp (Giai đoạn 2015 – 2016) của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Nhé.
5. Bộ Luật hình sự 1999, Bộ luật hình sự 2015.
6. Dương Tuyết Miên (2009), Định tội danh và quyết định hình phạt (Sách chuyên khảo), Xxb Lao động xã hội, Hà Nội.
7. Các trang web:
+http://www.baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/150757/phong-chong-toi-pham-mua-ban-nguoi-va-ho-tro-nan-nhan-tai-hoa-nhap-cong-dong-con-nhieu-kho-khan.
+http://www.bienphong.com.vn/chong-buon-ban-nguoi-qua-bien-gioi-cuoc-chien-chua-co-hoi-ket/.
+http://www.bienphong.com.vn/hop-tac-phong-chong-mua-ban-nguoi-tren-bien-gioi-viet-trung/.
 
 
 

Tác giả bài viết: Tiễn Đỗ - VKSND H.Mường Nhé