Nội dung cơ bản của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội

Nội dung cơ bản của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 (Nghị quyết số 41) về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015)
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 (Nghị quyết số 41) về việc thi hành  Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015) đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 (Luật số 12) và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13. Luật số 12 và Nghị quyết số 41 có những nội dung cơ bản sau:
          I. VỀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỘ SUNG  MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ SỐ 100/2015/QH13
          1. Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản tại phần những quy định chung của BLHS năm 2015
          1.1. Quy định liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội
          - Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong một số tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2 Điều 12  BLHS năm 2015.
          - Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14 BLHS năm 2015: người từ đủ 14 tuổi đến đưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 02 tội danh là tội giết người (Điều 123) và tội cướp tài sản (Điều 168).
          - Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 107 BLHS năm 2015 theo hướng quy định thời gian để tính đương nhiên xoá án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội căn cứ vào mức hình phạt đã tuyên và ngắn hơn so với quy định chung.
          1.2. Quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội
          - Bổ sung quy định về phân loại tội phạm vào Điều 9 BLHS năm 2015 , tổng hợp hình phạt vào Điều 86 BLHS năm 2015 đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
          - Phạm vi TNHS của pháp nhân thương mại (Điều 76 BLHS năm 2015) được bổ sung thêm 02 tội danh là tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324).
          1.3. Ngoài các nội dung trên Luật số 12 còn sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác thuộc phần những quy định chung của BLHS năm 2015 như Điều 14, Điều 54.
          2. Sửa đổi, bổ sung một số Điều, khoản thuộc phần các tội phạm cụ thể của BLHS năm 2015
          2.1. Bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS năm 2015).
          2.2. Bổ sung  tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a) vào BLHS năm 2015.
2.3. Sửa đổi, bổ sung yếu tố cấu thành một số tội phạm
          - Bổ sung hành vi “cướp phá tài sản” vào cấu thành tội bạo loạn (Điều 112 BLHS năm 2015 ).
          - Quy định cụ thể đối tượng hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu hoặc pháo nổ tại Điều 190, 191 BLHS năm 2015.
          - Bổ sung chất XLR-11 (tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá KHAT (có chứa chất ma tuý cathinone) vào cấu thành các tội phạm về ma tuý (Điều 248, 249, 250, 251, 252 BLHS năm 2015) đồng thời bổ sung nội dung “bộ phận của các cây khác có chứa chất ma tuý do Chính phủ quy định” vào từng Điều, khoản, điểm có liên quan để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma tuý.
          - Sửa đổi, bổ sung cấu thành giảm nhẹ của một số tội phạm theo hướng giới hạn phạm vi xử lý TNHS đối với trường hợp phạm tội có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả (khoản 5 các Điều 260,  261, 268, 273, 278, 307, 310, 313; khoản 4 các Điều 267, 272).
          - Đối với tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản (Điều 344 BLHS năm 2015): loại bỏ những hành vi mang tính vi phạm về thủ tục, nghiệp vụ xuất bản trong cấu thành tội phạm của tội này.
          - Bỏ các hành vi “tổ chức sử dụng chất ma tuý”, “cưỡng đoạt tài sản”, “đưa vào, tàng trữ, chiếm đoạt hoặc tổ chức sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần” trong  cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388 BLHS năm 2015).
2.4. Sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khoản của một số điều luật nhằm đảm bảo sự nối tiếp mức định lượng giữa các khoản
          Luật số 12 đã điều chỉnh mức định lượng tại các khoản của một số điều luật trong BLHS năm 2015 liên quan đến mức định lượng về tỷ lệ thương tích, tổn hại về sức khoẻ và các mức định lượng khác thuộc cấu thành một số tội phạm về kinh tế, môi trường, ma tuý, xâm phạm trật tự công cộng…
          Riêng đối với các tội liên quan đến vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và vật liệu nổ Luật đã sửa đổi theo hướng  không định lượng theo phương pháp liệt kê theo số lượng mà sử dụng định tính “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”.
          2.5. Sửa đổi, bổ sung mức hình phạt trong các khoản của một số điều luật
          Luật số 12 đã điều chỉnh mức hình phạt trong các khung hình phạt của một số điều luật  (các Điều 134, 260, 261, 267, 268, 272, 273, 278, 295, 307 BLHS năm 2015) đề đảm bảo phân hoá rõ mức độ trách nhiệm giữa các trường hợp phạm tội khác nhau.
          II. VỀ NGHỊ QUYẾT SỐ 41
          Nghị quyết số 41 quy định  về thi hành BLHS năm 2015 và các Bộ  luật, Luật có liên quan như sau:
          1.  Kể từ ngày 01/01/2018 BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.
          2.  Nghị quyết quy định cụ thể về việc áp dụng BLHS năm 2015, trong đó xác định rõ những trường hợp được áp dụng hồi tố, những trường hợp không được áp dụng hồi tố. Đồng thời Nghị quyết cũng xác định các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015 được áp dụng trong 1 số trường hợp cụ thể kể từ ngày Luật số 12 được công bố.
          3.  Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết và quy định chuyển tiếp, Nghị quyết xác định:
“ Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 7 năm 2017.
 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành cho đến khi Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 có hiệu lực thi hành theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này, tiếp tục áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự số 19/2003/QH11, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12”.
Trên đây là những nội dung cơ bản của Luật số 12 và Nghị quyết số 41, các đơn vị cần tổ chức cho cán bộ, Kiểm sát viên nghiên cứu nắm vững các quy định của BLHS năm 2015, các Bộ luật, Luật có liên quan và Nghị quyết số 41 để áp dụng vào công tác THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực  hình sự đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tác giả bài viết: Vi Văn Hải