Những điểm mới của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự (so với Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự)

                 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự (số 99/2015/QH13) được Quốc hội nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Với 10 Chương và 73 điều, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự dựa trên cơ sở tổng kết thi hành Pháp lệnh năm 2004, kế thừa các quy định còn phù hợp đang phát huy tác dụng tốt, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế của pháp luật hiện hành về điều tra hình sự. Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự có những điểm mới đáng chú ý:
          1. Các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 9) ngoài các cơ quan theo quy định tại Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự như: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng; các cơ quan của Hải quan; các cơ quan của Kiểm lâm, các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển; các cơ quan của Công an nhân dân; các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự còn bổ sung các cơ quan của Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng.
          2. Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự quy định tổ chức và thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ gồm có 2 Điều, nay Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định hằn một Chương (Chương IV) về Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm 3 điều:
           Điều 29. Tổ chức bộ máy Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
          Điều 30. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao
          Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự quy định thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra các vụ án hình sự về một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.
          Nay khoản 2 Điều 30 quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là:  Tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.
          3. Để đảm bảo cho hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật này quy định Điều 11. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra, theo đó Viện kiểm sát phải phát hiện kịp thời và yêu cầu, kiến nghị Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật.
          4. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh.
          Theo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự thì quyền hạn của Cơ quan an ninh điều tra Công an cấp tỉnh được quy định rộng hơn so với Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự.
          Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự quy định: Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh điều tra các vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Chương XI, Chương XXIV và các tội phạm quy định tại các điều: 180, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 264, 274, 275 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
          Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định: Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và các tội phạm quy định tại các điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả), 208 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác), 282 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy), 283 (tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), 284 (tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), 299 (tội khủng bố), 300 (tội tài trợ khủng bố), 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia), 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ), 309 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân), 337 (tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước), 347 (tội vi phạm về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép), 348 (tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép), 349 (tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép), 350 (tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép) của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để đảm bảo khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.
          Như vậy với quy định tại Điều 17 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự thì ngoài hai Chương (XIII và XXVI), Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh còn có quyền điều tra 16 tội phạm như quy định ở trên khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân (cho dù thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hay Tòa án nhân dân cấp huyện), Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự chỉ quy định cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiến hành điều tra 11 loại tội phạm và tội phạm đó phải thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, đây là điểm khác biệt lớn về quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh. Ngoài các tội phạm quy định ở trên Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh còn có quyền điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan khi Bộ trưởng Bộ Công an phân công./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Sơn – Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên