MỘT SỐ Ý KIẾN TRAO ĐỔI LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC KIỂM SÁT ÁN DÂN SỰ

MỘT SỐ Ý KIẾN TRAO ĐỔI LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC KIỂM SÁT ÁN DÂN SỰ
Trong năm 2018, phòng kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính VKS tỉnh ( P9) nhận được một số vướng mắc trong giải quyết các vụ án dân sự, sau khi nghiên cứu, đối chiếu các quy định của pháp luật, xin có ý kiến trao đổi như sau
1. Về ý kiến: Chưa có hướng dẫn cụ thể về việc giải quyết đối với những vụ án dân sự mà nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện trước khi TA ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, phần yêu cầu khởi kiện còn lại hai bên đương sự thỏa thuận được với nhau trước khi TA ra QĐ đưa vụ án ra xét xử ( hiện nay TA ra QĐCNSTTCCĐS , trong đó có nêu căn cứ và nhận định việc rút một phần yêu cầu khởi kiện, phần quyết định nêu hậu quả của đình chỉ một phần yêu cầu khỏi kiện, tuy nghiên có một bất cập là quyết định công nhận thì hiệu lực ngay, còn quyết định đình chỉ thì có thể bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn 7 ngày).
Trả lời: Đây là trường hợp Tòa án phải ban hành Quyết định đình chỉ riêng đối với yêu cầu mà nguyên đơn đã rút một cách tự nguyện. Phần yêu cầu còn lại thì giải quyết theo thủ tục chung. Không được lồng ghép trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (QĐCNSTTCCĐS). Lý do của vấn đề: Căn cứ theo quy định của BLTTDS thì Quyết định đình chỉ có thể bị kháng cáo, kháng nghị, còn Quyết định CNSTTCCĐS thì không bị kháng cáo, kháng nghị.
 
  2. Đối với vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình (HNGĐ) khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng trong thời gian chuẩn bị mở phiên tòa, nguyên đơn tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn và NCQLVNVLQ đến vụ án không có yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ngay khi nhận được đơn xin rút yêu cầu khởi kiện hay phải mở phiên tòa để ra quyết định đình chỉ tại phiên tòa, và khi ra quyết định đình chỉ thì người ký ban hành quyết định là “ thẩm phám” hay “ thay mặt hội đồng xét xử, thẩm phán, chủ tọa” ?
Trả lời: Trong khi nêu vấn đề đã có giả định: Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (NCQLNVLQ) không phản tố cũng như không có yêu cầu độc lập và : Tòa án đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử (Hội đồng xét xử đã được Chánh án quyết định thành lập để làm nhiệm vụ xét xử và đã được ấn định trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử). Như vậy, quyết định này cũng đã được gửi cho những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng, VKS cùng cấp nên về mặt pháp lý việc giải quyết vụ án kể từ thời điểm này thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử, bao gồm trường hợp ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tất nhiên đây là thẩm quyền của Hội đồng xét xử (HĐXX), nên Thẩm phán chủ tọa sẽ ký quyết định với tư cách thay mặt HĐXX.
Về vấn đề này, đề nghị các đồng chí làm công tác KS án dân sự nghiên cứu thêm quy định tại Điều 222/ BLTTDS ( Yêu cầu chung đối với phiên tòa sơ thẩm): “ Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa diểmđã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa”.
 
3. Đối với đương sự không thể viết bản tự khai ( do không biết viết hoặc viết không thành câu, thành ý) thì đương sự có thể nhờ người khác viết hộ và đương sự ký hoặc điểm chỉ được không hay thẩm phán lấy lời khai của đương sự.
Trả lời:  Các quy định của BLTTDS đối với nội dung này là rõ ràng và cụ thể như sau:
 Điều 98. Lấy lời khai của đương sự
“1.Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Tòa án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Tòa án; trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Tòa án.”
Đề nghị các đồng chí áp dụng quy định trên khi tực hiện nhiệm vụ cụ của mình. Còn tài liệu đương sự giao nộp mà do người khác viết hộ, tất nhiên chỉ trở thành một nguồn chứng cứ khi chứa đựng đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ.
 
4. Trong vụ án hôn nhân gia đình, khi có tranh chấp về nuôi con khi ly hôn có bắt buộc thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên như quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS hay khi thụ lý hoặc giải quyết vụ án tòa án hướng dẫn, yêu cầu nguyên đơn nộp đơn nguyện vọng của con chưa thành niên từ đử 7 tuổi trở lên?
 
Trả lời : Khoản 3 Điều 208/ BLTTDS quy định;
. ..”Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên.”
                Như vậy theo đúng lời văn của điều luật, thấy: Đây là quy định bắt buộc (không phải là quy phạm cho phép tùy nghi, lựa chọn). Đề nghị các đồng chí áp dụng đúng như trên trong nghiệp vụ kiểm sát.
          Để thực hiện tốt, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ Kiểm sát tư pháp trong các lĩnh vực Dân sự, hành chính, chúng tôi cùng các đồng chí cần nỗ lực nghiên cứu, cập nhật, vận dụng tốt các quy định đã có trong các văn bản luật đã ban hành. Đơn vị P9 sẵn sàng tương tác, trao đổi với tất cả các bạn đồng nghiệp trong, ngoài ngành, nhằm giải quyết hiệu quả, đúng pháp luật mọi tranh chấp thuộc chức trách của đơn vị.

Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Kiểm – VKSND tỉnh Điện Biên