MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VIỆC XÉT PHÊ CHUẨN CỦA VIỆN KIỂM SÁT

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VIỆC XÉT PHÊ CHUẨN  CỦA VIỆN KIỂM SÁT
Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 quy định trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều trường hợp với các tài liệu, chứng cứ Cơ quan điều tra đã thu thập được chưa đủ căn cứ để Viện kiểm sát quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, nhưng cũng không đủ căn cứ ra quyết định hủy bỏ. Để khắc phục vướng mắc này, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thẩm quyền cho Viện kiểm sát, theo đó ngoài việc quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát còn có quyền yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn (Khoản 3 Điều 179 bLTTHS năm 2015).
Điều luật cũng quy định trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu bổ sung Viện kiêm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên trong trường hợp này Luật lại không quy định thời hạn Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu, đây là một trong những vướng mắc, bất cập trong thực tế, bởi lẽ việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can có quan hệ chặt chẽ với việc phê chuẩn lệnh tạm giam bị can.
Trong thực tế khi khởi tố bị can đối với người đang bị tạm giữ mà có đủ căn cứ và cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ, thì cùng với quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra ra lệnh tạm giam và đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn. Theo quy định tại khoản 5 Điều 119 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn Viện kiểm sát xét phê chuẩn lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra là 03 ngày. Như vậy, trong trường hợp Viện kiểm sát chưa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can mà yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn thì Viện kiểm sát có phê chuẩn lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra không? Trường hợp này nếu Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh tạm giam thì căn cứ vào quy định nào (vì tạm giam chỉ có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo). Trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh tạm giam, trong khi thời hạn tạm giữ đã hết mà không thể trả tự do hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thì giải quyết như thế nào? Đây là những vướng mắc bất cập cần được cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện.

Tác giả bài viết: Vi Văn Hải