MỘT SÓ NỘI DUNG VỀ ÁN TREO TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

MỘT SÓ NỘI DUNG VỀ ÁN TREO  TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015
Án treo là một chế định khá phức tạp trong Bộ luật hình sự, về bản chất án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được tòa án áp dụng khi người phạm tội bị phạt tù có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật hình sự.
Khái niệm về án treo không thay đổi sau các lần sửa đổi bổ sung hoặc ban hành  Bộ luật hình sự mới, tuy nhiên về điều kiện và một số nội dung khác có liên quan thì có những thay đổi nhất định.  Quy định về án treo tại Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) so với quy định về án treo tại Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS 1999) có một số nội dung mới như sau:
          1. Bổ sung vào khoản 1 Điều 65 nội dung người được hưởng án treo phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
          2. Sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn về việc quyết định áp dụng hình phạt bổ sung đối với người được hưởng án treo. Theo đó: quy định tại khoản 3 Điều 60 BLHS 1999 “Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung…Điều 36 của Bộ luật này”, được sửa đổi thành “ Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này” quy định tại khoản 3 Điều 65 BLHS 2015.
          3. Khoản 5 Điều 65 bổ sung nội dung mới: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”. Đây là quy định mới có tính nghiêm khắc hơn đối với người được hưởng án treo, nhằm đảm bảo để họ thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ thi hành án khi được hưởng án treo.
          Khoản 2 và khoản 4 Điều 65 BLHS 2015 giữ nguyên như quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 60 BLHS 1999. Tuy nhiên có điều đáng lưu ý trong khoản 2 Điều 65, đó là quy định về việc Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục họ trong thời gian thử thách. Bởi lẽ Luật Thi hành án hình sự không quy định cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo làm việc có trách nhiệm giám sát, giáo dục họ (Trừ đơn vị quân đội), mà nhiệm vụ này được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Để khắc phục mâu thuẫn này trong BLHS 1999 với quy định của Luật Thi hành án hình sự, tại khoản 3 Điều 181 Luật Thi hành án hình sự đã quy định: “ Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, các quy định của bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự về thi hành án tử hình, thi hành án phạt tù, thi hành án treo, thi hành án phạt cảnh  cáo…có nội dung khác với Luật này thì áp dụng quy định của Luật này”. Lẽ ra khi xây dựng BLHS 2015 cần phải sửa đổi nội dung này ở BLHS 1999 để khắc phục sự mâu thuẫn giữa các đạo luật, tránh những sai sót khi thực hiện. Về vấn đề này, khi nghiên cứu kỹ quy định tại khoản 3 Điều 181 Luật Thi hành án hình sự thấy rằng Điều luật chỉ nêu “Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự”, mà không quy định cụ thể Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự được ban hành năm nào, như vậy quy định tại khoản 3 Điều 181 Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực cả với BLHS 2015, do đó nếu các quy định của BLHS 2015 về thi hành án treo khác với quy định tại Luật Thi hành án hình sự thì cần phải áp dụng theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Tác giả bài viết: Vi Văn Hải – P.Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên