09:49, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

NHỮNG NỘI DUNG TRONG LUẬT THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM CẦN NẮM VỮNG ĐỂ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ TẠM GIAM

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam ; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành tạm giữ tạm giam trong đó có 1 chương riêng về kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam sau khi Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần nắm vững các nội dung cơ bản sau:
1. Những nội dung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát
          Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND được quy định cụ thể tại 15 Điều trong 4 Chương, bao gồm:
          - Chương I: Những quy định chung: Điều 6 .
          -  Chương VIII: Kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: Điều 42, Điều 43.
          - Chương IX: Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: Điều 46, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 59, 60 và Điều 61.
          - Chương IX: Trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: Điều 65.
          Theo đó, VKSND vừa có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam vừa có nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
1.1 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã xây dựng điều luật riêng (Điều 6) quy định về chức năng kiểm sát hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: “VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật này, Luật tổ chức VKSND và Bộ luật tố tụng hình sự”.
1.2. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã luật hóa và cụ thể đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014; các quy định có liên quan trong Bộ Luật tố tụng Hình sự; Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 06/9/1989 của Liên ngành Bộ Công an, VKSND tối cao về công tác giam, giữ, cải tạo và kiểm sát việc giam, giữ, cải tạo; Thông tư liên ngành số 01/2014/TTLT-VKSTC-BQP ngày 07/02/2014 giữa VKSND tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện việc bắt, tạm giữ hình sự và kiểm sát việc bắt, tạm giữ hình sự tại các Đồn biên phòng. 
Theo đó, khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát nhân dân có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau đây (quy định tại điều 42):
“ 1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát nhân dân có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Kiểm sát tại trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ; hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam về việc tạm giữ, tạm giam;
b) Kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam;
c) Yêu cầu Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ Bộ đội Biên phòng tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành tạm giữ, tạm giam; thông báo tình hình thi hành tạm giữ, tạm giam; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam;
d) Quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật;
đ) Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam; đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật;
e) Khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật;
g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật này, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật tố tụng hình sự.”
1.3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể về trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (quy định tại Điều 43). Cụ thể như sau:
“ Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ Bộ đội biên phòng có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định sau đây của Viện kiểm sát nhân dân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam:
1. Yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải được thực hiện ngay; yêu cầu thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam, yêu cầu trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam được thực hiện trong thời hạn 15 ngày (nội dung mới); yêu cầu tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu;
2. Quyết định quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 của Luật này phải được thi hành ngay; nếu không nhất trí với quyết định đó thì vẫn phải thi hành, nhưng có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có thẩm quyền. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên phải giải quyết;
3. Kháng nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 của Luật này phải được giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị; nếu không nhất trí với kháng nghị thì có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có thẩm quyền; Viện kiểm sát nhân dân cấp trên phải giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại; quyết định của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật;
4. Kiến nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 của Luật này phải được xem xét, giải quyết, trả lời cho Viện kiểm sát nhân dân trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị."
Như vậy quy định tại khoản 4 Điều 43 là nội dung mới và đã quy định đầy đủ cụ thể hơn về thời hạn xem xét trả lời kiến  nghị của Viện kiểm sát.
1.4. Về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam.
Việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam đã được quy định tại Luật tổ chức VKSND năm 2014. Tuy nhiên, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục, thời hạn giải quyết… chưa được Luật cũng như văn bản dưới luật quy định rõ. Chính vì vậy, việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam đang được thực hiện theo Quy chế về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát; Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự của ngành Kiểm sát và các quy định có liên quan trong Luật khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc pháp điển hóa quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Luật thi hành tạm giữ, tạm giam xây dựng theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và đồng bộ với Luật tổ chức VKSND năm 2014. Trong đó, quy định VKSND là cơ quan duy nhất có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam.
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam xây dựng Chương riêng quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (Chương IX), trong đó có 11 Điều (Điều 46, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 59, 60 và Điều 61) liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam và 07 Điều (Điều 44, 45, 47, 48, 56, 57 và Điều 58) liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo; những trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong trong việc chuyển tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp …; Các quy định cụ thể liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND như sau:
  Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại: "Viện trưởng VKSND cấp huyện, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSQS khu vực, Viện trưởng VKSQS quân khu và tương đương giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trách nhiệm kiểm sát của mình. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với việc giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới; quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật" (quy định tại K1. Điều 46).
Về nhiệm vụ, quyền hạn trong giải quyết khiếu nại: "(1) Tiếp nhận, giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi bị khiếu nại. (2) Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại. (3) Thông báo bằng văn bản về việc thụ lý khiếu nại và gửi quyết định giải quyết cho người khiếu nại và người bị khiếu nại. (4) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình" (quy định tại Điều 49).
  Về thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết tố cáo:  " (1) Thẩm quyền, thủ tục giải quyết tố cáo của Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 23 và Điều 29 Luật tổ chức VKSND. (2) Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày. (3) Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự" (quy định tại Điều 60).                             
  Về trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo: "(1) Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. (2)  Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết hoặc giải quyết trái pháp luật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật" (quy định tại Điều 61).
Đồng thời Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể về: Thời hạn giải quyết; Hồ sơ giải quyết; Trình tự giải quyết và nội dung quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo… của VKSND tại Điều 50, 51, 52, 53, 54, 55 và Điều 59.
          2. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
  Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã xây dựng 01 điều luật riêng (Điều 9) quy định cụ thể về tất cả những quyền mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng, những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam. Trong đó, đã bổ sung các quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cụ thể như sau:
- Được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình (quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9).
- Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân (quy định tại điểm b, khoản 1,  Điều 9).
- Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự (quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 9).
- Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam” (quy định tại điểm g, khoản 1,  Điều 9).
3. Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
   Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được quy định tại Chương II (từ Điều 10 đến Điều 15). Theo pháp luật hiện hành, chưa có quy định cụ thể về cơ quan nào là quản lý, cơ quan nào là cơ quan thi hành trong tạm giữ, tạm giam. Do vậy, để bảo đảm tính độc lập của hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định cụ thể về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý và hệ thống tổ chức cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, như sau:
 * Về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân (Điều 10), gồm:
- Cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong phạm vi cả nước
- Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
- Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam (sau đây gọi là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng);
- Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam đối với trại tạm giam, nhà tạm giữ khu vực thuộc phạm vi quản lý;
- Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh thực hiện quản lý tạm giữ đối với Buồng tạm giữ của đồn biên phòng.
* Về hệ thống tổ chức cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam (Điều 11), gồm:
- Trại tạm giam thuộc Bộ Công an;
- Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng;
- Trại tạm giam Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là trại tạm giam Công an cấp tỉnh); Trại tạm giam thuộc quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là trại tạm giam cấp quân khu);
- Nhà tạm giữ Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là nhà tạm giữ Công an cấp huyện); Nhà tạm giữ Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân;
- Buồng tạm giữ của đồn biên phòng ở hải đảo, biên giới xa trung tâm hành chính cấp huyện.
* Về cơ cấu, tổ chức của nhà tạm giữ, trại tạm giam:
Nghị định số 89/1998/NĐ-CP và Nghị định số 98/2002/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về “buồng kỷ luật” có trong cơ cấu, tổ chức của nhà tạm giữ, trại tạm giam. Do vậy, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định cụ thể: Nhà tạm giữ có “buồng kỷ luật” (quy định tại điểma , khoản1, Điều 14). Trại tạm giam “có buồng kỷ luật” (quy định tại điểm a, khoản 2,  Điều 14) trong cơ cấu, tổ chức của nhà tạm giữ, trại tạm giam.
* Về quy định buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng:
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định mới về chức danh: “Trưởng Buồng tạm giữ” thuộc đồn biên phòng và nhiệm vụ, quyền hạn của “Trưởng Buồng tạm giữ” trong quản lý người bị tạm giữ ( quy định tại khoản 2,  Điều 15).
4. Chế độ quản lý tạm giữ, tạm giam (Chương III, từ Điều 16 đến Điều 26)
Trong Chương này, Luật quy định mới những nội dung sau:
* Về phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam:
 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam bổ sung mới 02 đối tượng trong 12 đối tượng được phân loại quản lý, bố trí theo khu: “người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ” (quy định tại điểm, khoản 1, Điều 18) và “người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh” (quy định tại điểm 1,. khoản1,  Điều 18).
Bên cạnh đó, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc phân loại giam giữ đối với người đồng tính, người chuyển giới, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định: người đồng tính, người chuyển giới có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng (quy định tại điểm a, khoản 4,  Điều 18).
* Về chế độ thăm gặp:
Nghị định số 89/1998/NĐ-CP, Nghị định số 98/2002/NĐ-CP chỉ quy định thẩm quyền giải quyết cho thăm gặp là cơ quan thụ lý vụ án và không quy định cụ thể về số lần thăm gặp trong giai đoạn tạm giữ và tạm giam. Vì vậy, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định cụ thể về số lần thăm gặp: " người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng…" (quy định tại koanr 1, Điều 22). 
Đối với thẩm quyền giải quyết thăm gặp, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã có quy định mới: “Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam” (quy định tại khoản 2, Điều 22); “ trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý” (quy định tạik hoản1, Điều 22). 
Về thủ tục thăm gặp, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có quy định thêm nội dung mới: “... trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp” (quy định tại khoản 2, Điều 22).
Đồng thời, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể các trường hợp Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp. Trong đó, có quy định mới về trường hợp không đồng ý cho thăm gặp đối với: “ người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên” (quy định tại điểm g, khoản 4, Điều 22).
* Về kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ,
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định mới: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây: (a) Cảnh cáo;(b) Cách ly ở buồng kỷ luật từ 01 ngày đến 02 ngày và có thể bị gia hạn đến 02 ngày đối với người bị tạm giữ; cách ly ở buồng kỷ luật từ 03 ngày đến 07 ngày và có thể bị gia hạn đến 10 ngày đối với người bị tạm giam…
Đồng thời, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể về trường hợp cùm 1 chân, hoặc không áp dụng cùm 1 chân như sau: Người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì bị cùm một chân. Thời gian bị cùm chân do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Trong 04 trường hợp Luật quy định không áp dụng cùm chân đối với người bị kỷ luật có 02 trường hợp quy định mới: "…là người khuyết tật nặng trở lên, người đủ 70 tuổi trở lên" (quy định tại khoản 3, Điều 23).
* Về giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định mới về trường hợp: "Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà trước đó đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang được hưởng lương hưu thì chế độ tử tuất giải quyết theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội" (quy định tại khoản 6, Điều 26).
5. Chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam ( Chương IV, từ Điều 27 đến Điều 31)
  Quy định về: Chế độ ăn, ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; Chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; Chế độ gửi, nhận thư, sách, báo và tài liệu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; Chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; Chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Theo quy định tại Nghị định số 89/1998/NĐ-CP: Bình quân diện tích tối thiểu nơi giam, giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam là 2m2/1 người...; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định mới: "Chỗ nằm tối thiểu của mỗi người bị tạm giữ, người bị tạm giam là 02 mét vuông (m2)…" (quy định tại khoản 4,  Điều 27)
6. Chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi (Chương V, từ Điều 32 đến Điều 35)
Quy định về: Phạm vi áp dụng; Chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi; Chế độ gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi; Chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Để phù hợp với quy định pháp luật liên quan, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã thay đổi cụm từ “người chưa thành niên” được sử dụng trong Nghị định số 89/1998/NĐ-CP, Nghị định số 98/2002/NĐ-CP và các văn bản khác thành cụm từ “người dưới 18 tuổi” và quy định cụ thể hơn về chế độ quản lý giam giữ, đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi. Trong đó có những nội dung mới như sau:
“ Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã thành niên và được tăng thêm về thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng” (quy định tại khoản1, Điều 33). "Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được bố trí giam giữ riêng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18" (quy định tại khoản 2, Điều 33).
“ Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đủ 18 tuổi hoặc phụ nữ có con đủ 36 tháng tuổi trở lên thì chế độ tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định chung” (quy định tại Điều 32).
“ Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự với số lần thăm gặp được tăng gấp đôi so với người bị tạm giữ, bị tạm giam là người đã thành niên” (quy định tại Điều 34).
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam xây dựng điều luật riêng (Điều 35) quy định về chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Đây là những quy định mang tính nhân đạo sâu sắc, nhằm bảo đảm sức khỏe của người mẹ và bảo đảm sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ em. Trong đó, có những nội dung mới như sau:
“ Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 03m2 (quy định tại khoản  1, Điều 35).
 “ Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng; trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng …”(quy định tại khoản 2, Điều 35).
7. Chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam (Chương VI, từ Điều 36 đến Điều 37)
Quy định về: Phạm vi áp dụng; Chế độ ăn, ở và quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình.
Tác giả bài viết: Vi Văn Hải- Trưởng phòng 8 VKSND tỉnh

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 448
  • Khách viếng thăm: 446
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 111551
  • Tháng hiện tại: 2712070
  • Tổng lượt truy cập: 23355450
2
1