10:36, 19/03/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

Trao đổi về bài viết “Bàn về Đại diện chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Chính quyền xã) trong Điều 113 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự 1999”.

Tại bài viết “Bàn về Đại diện chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Chính quyền xã) trong Điều 113 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự 1999” đăng ngày 05/4/2017 trên trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên (vksnddienbien.gov.vn) của tác giả Tiến Đỗ. Sau khi nghiên cứu tôi xin có một số ý kiến trao đổi như sau:
          Luật tố tụng hình sự năm 2003 không quy định người chứng kiến trong tố tụng hình sự, cũng như nhiệm vụ, quyền hạn… của người chứng kiến. Để khắc phục nội dung này Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định người chứng kiến tại Điều 67, theo đó: “ Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này”.
          Ý nghĩa của việc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn chứng kiến việc cơ quan điều tra tiến hành bắt người cũng như chứng kiến quá trình lập biên bản bắt người:
          Thứ nhất: Đảm bảo người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tuân thủ quy định của pháp luật khi tiến hành bắt người (trình tự, thủ tục tiến hành bắt người).
          Thứ hai: Góp phần bảo đảm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị bắt không bị xâm phạm.
          Thứ ba: Hỗ trợ người có thẩm quyền thi hành lệnh bắt người trong trường hợp cần thiết.
          Thứ tư: Góp phần hạn chế được tình trạng lạm quyền hoặc một số hành vi không khách quan khi thi hành việc bắt người.
          Thứ năm: Đảm bảo việc bắt người đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Biên bản bắt người được lập khách quan theo đúng quy định.
          Như vậy trong trường hợp bắt người được quy định tại Điều 80 BLTTHS năm 2003 cũng như Điều 113 BLTTHS 2015 bắt buộc phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn chứng kiến.
          Căn cứ các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự; Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì trong trường hợp bắt bị can bị cáo để tạm giam thì chính quyền cấp xã cụ thể gồm những người sau có thể tham gia: Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã hoặc người được Chủ tịch UBND xã ủy quyền chứng kiến việc bắt tham gia ký tên vào biên bản bắt. Khi những người này tham gia chữ ký phải được văn thư đóng dấu của UBND xã theo đúng quy định tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 8/4/2004 Nghị định Chính phủ về công tác văn thư.
          Tôi đồng tình với quan điểm của tác giả về nội dung “ không nhất thiết phải là chủ tịch, Phó chủ tịch” mới là người đại diện chính quyền xã chứng kiến việc bắt người và ký tên vào biên bản bắt người. Trên thực tế do chức năng, nhiệm vụ của UBND xã được quy định trên nhiều lĩnh vực (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội) đòi hỏi lãnh đạo UBND xã phải bố trí sắp xếp công việc một cách hợp lý. Trong một số trường hợp cụ thể do không thể trực tiếp tham gia lãnh đạo UBND xã phải ủy quyền cho cấp đưới hoặc cán bộ chuyên môn thuộc UBND xã đảm nhiệm.
  Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp ủy quyền cho trưởng hoặc phó trưởng công an xã chứng kiến việc bắt người sau đó trưởng hoặc phó trưởng công an xã được ủy quyền ký tên, đóng dấu công an xã vào biên bản bắt người. theo cá nhân tôi việc công an xã sử dụng con dấu công an xã để đóng dấu trong biên bản bắt người là chưa đảm bảo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Vì tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh Công an xã số: 06/2008/PL-UBTVQH12 ngày 21/11/2008 quy định “Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân” Vì vậy lực lượng này chỉ tham gia vào việc bắt người với tư cách là lực lượng vũ trang hỗ trợ việc thi hành lệnh bắt trong trường hợp cần thiết chứ không thể tham gia và đóng dấu với tư cách là đại diện chính quyền cấp xã chứng kiến việc bắt người.
          Nội dung trao đổi thêm: Trong tiêu đề của bài viết tác giả có đề cập nội dung: Bộ luật tố tụng hình sự năm 1999. Theo tôi nội dung này tác giả có sự nhầm lẫn vì từ trước đến nay không có Bộ luật tố tụng hình sự nào của Việt Nam được thông qua năm 1999. Trong quá trình biên tập, ban biên tập cần soát kỹ về nội dung cũng như hình thức (gồm cả hình thức trình bày lẫn chính tả) để độc giả có được thông tin đầy đủ, chính xác nhất.
          Rất mong được các đồng nghiệp cũng như độc giả khác trao đổi thêm về nội dung này.
Tác giả bài viết: Ngọc Kiên

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 470
  • Hôm nay: 60011
  • Tháng hiện tại: 1742848
  • Tổng lượt truy cập: 22386228
2
1