17:44, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

HOẠT ĐỘNG KIỂM SÁT VIỆC GỬI QUYẾT ĐỊNH VỀ THI HÀNH ÁN VÀ THÔNG BÁO VỀ THI HÀNH ÁN CỦA CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

HOẠT ĐỘNG KIỂM SÁT VIỆC GỬI QUYẾT ĐỊNH  VỀ THI HÀNH ÁN VÀ THÔNG BÁO VỀ THI HÀNH ÁN  CỦA CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Thi hành án là hoạt động rất phức tạp và là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng trước đó, việc tổ chức thi hành vừa phải tuân theo pháp luật, vừa đảm bảo thi hành các phán quyết trong các bản án, quyết định, lại phải được sự đồng tình của nhân dân cũng như chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Do đó hoạt động kiểm sát việc thi hành án cũng hết sức thận trọng, khách quan, vừa cương quyết thực hiện theo quy định của pháp luật, vừa vận dụng linh hoạt quyền hạn trong từng tình huống cụ thể, đảm bảo cho các bản án, quyết định được thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật.
Gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án là quy định bắt buộc đối với cơ quan thi hành án trong hoạt động thi hành án dân sự và Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành quyết định thi hành án để đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan biết thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung văn bản...

 
                               (hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
 
Để thực hiện tốt nội dung kiểm sát việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án, cán bộ, Kiểm sát viên cần nắm vững các quy định của pháp luật và thực hiện tốt các thao tác nghiệp vụ như sau:
1. Căn cứ pháp luật để tiến hành kiểm sát việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án
Tại Chương III Luật thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định “thủ tục thi hành án dân sự”, cụ thể quy định tại các điều luật sau: Điều 38, 39, 40, 41, 42, 43; Điều 12 Nghị Định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính Phủ quy định và hướng dẫn việc gửi quyết định về thi hành án, thực hiện thông báo về thi hành án.
- Điều 38. Gửi quyết định về thi hành án
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.”
- Điều 39. Thông báo về thi hành án
“1. Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
2. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
3. Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
b) Niêm yết công khai;
c) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu.”
- Điều 40. Thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân
“1. Văn bản thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ.
2. Trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự.
Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ.
Trường hợp người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo hoặc người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo, có chữ ký của người chứng kiến và thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 của Luật này.
3. Trường hợp người được thông báo đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải thông báo theo địa chỉ mới của người được thông báo.”
- Điều 41. Thủ tục thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức
“Trường hợp người được thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản thông báo phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được thông báo có người đại diện tham gia việc thi hành án hoặc cử người đại diện nhận văn bản thông báo thì những người này ký nhận văn bản thông báo. Ngày ký nhận là ngày được thông báo hợp lệ.”
- Điều 42. Niêm yết công khai
“1. Việc niêm yết công khai văn bản thông báo chỉ được thực hiện khi không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp hoặc ủy quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo hoặc cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện việc niêm yết.
2. Việc niêm yết được thực hiện theo thủ tục sau đây:
a) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo;
b) Lập biên bản về việc niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết; số, ngày, tháng, năm, tên của văn bản thông báo; có chữ ký của người chứng kiến.
3. Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ.”
- Điều 43. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
“1. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu. 
2. Trường hợp xác định đương sự đang có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của địa phương đó hai lần trong 02 ngày liên tiếp.
Trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương hai lần trong 02 ngày liên tiếp.
3. Ngày thực hiện việc thông báo lần hai trên phương tiện thông tin đại chúng là ngày được thông báo hợp lệ.”
- Điều 12 Nghị Định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính Phủ hướng dẫn việc thực hiện thông báo về thi hành án
"1. Việc thông báo trực tiếp cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thực hiện như sau:
a) Do Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo;
b) Do bưu tá; người được cơ quan thi hành án ủy quyền; tổ trưởng tổ dân phố; trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc; Ủy ban nhân dân, công an cấp xã; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được thông báo có địa chỉ, cư trú, công tác, chấp hành hình phạt tù giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo.
2. Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự.
3. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thay đổi về địa chỉ liên lạc thì phải kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành án biết để thực hiện việc thông báo theo địa chỉ mới. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không thông báo địa chỉ mới thì việc thông báo theo địa chỉ được xác định trước đó được coi là hợp lệ.
4. Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan từ chối không nhận thông báo thì người thực hiện thông báo trực tiếp phải lập biên bản, có chữ ký của người chứng kiến và việc thông báo được coi là hợp lệ.
5. Việc thông báo về thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thi hành án dân sự, ngoài ra có thể được công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp."
Ngoài các điều của Luật thi hành án dân sự và Nghị Định của Chính Phủ quy định về gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án. Liên ngành trung ương có Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC và Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC quy định, hướng dẫn về thủ tục thi hành án dân sự...cho người phải thi hành án và được thi hành án là phạm nhân.
2. Trình tự khi tiến hành kiểm sát việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án
- Để đảm bảo tất cả các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận được các quyết định về thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự gửi đến Viện kiểm sát, Kiểm sát viên được phân công làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính ngoài kiểm sát về tính hợp pháp và tính có căn cứ của các quyết định, còn phải kiểm sát việc gửi các quyết định về thi hành án như: Kiểm sát về thời hạn gửi quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự; Kiểm sát về đối tượng được nhận quyết định thi hành án.
- Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Kiểm sát viên khi kiểm sát thông báo về thi hành án cần kiểm sát các nội dung như sau:
+ Kiểm sát về căn cứ của thông báo;
+ Kiểm sát về thời hạn thực hiện việc thông báo;
+ Kiểm sát về đối tượng được nhận thông báo;
+ Kiểm sát về nội dung của văn bản được được thông báo;
 
+ Kiểm sát về phương thức thực hiện thông báo (trực tiếp do Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án giao văn bản cho người được thông báo hoặc do bưu tá, Giám thị trại giam, trại tam giam, người được cơ quan thi hành án dân sự ủy quyền…);
3. Kỹ năng phát hiện vi phạm khi kiểm sát việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án
Để phát hiện vi phạm khi tiến hành kiểm sát việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án, Kiểm sát viên cần chú ý các nội dung sau: Nghiên cứu các quyết định và văn bản thông báo về thi hành; Xem xét các loại sổ về thi hành án dân sự có liên quan đến việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án; Nghiên cứu các hồ sơ nghiệp vụ thi hành án....dưới đây là một số kỹ năng phát hiện vi phạm khi kiểm sát việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án:
- Trong quá trình kiểm sát việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án cần kiểm tra Sổ thụ lý thi hành án dân sự; Sổ ra quyết định cưỡng chế thi hành án; Sổ theo dõi xử lý tài sản bán đấu giá thi hành án; Sổ theo dõi việc chưa có điều kiện thi hành án...Kiểm tra sổ thụ lý thi hành án cần xem xét kỹ nội dung ghi chép, số thứ tự, các cột mục trong sổ để xác định việc ra quyết định thi hành án có đúng thẩm quyền và trong thời hạn quy định của pháp luật không...cần xác định số quyết định thi hành đã ban hành và ngày ra quyết định thi hành án để kiểm tra, đối chiếu việc gửi quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án cho Viện kiểm sát. Kiểm tra sổ ra quyết định cưỡng chế thi hành án đối chiếu với sổ theo dõi xử lý tài sản bán đấu giá thi hành án để kiểm sát việc thực hiện các thông báo về thi hành án trong quá trình cưỡng chế, bán đấu giá tài sản.
- Khi kiểm tra hồ sơ nghiệp vụ thi hành án ngoài việc xem xét việc Chấp hành viên có lập hồ sơ nghiệp vụ thi hành án không? Cần chú ý các trường hợp ra quyết định thi hành án nhưng không thông báo tự nguyện thi hành án, chậm thông báo về thi hành án, các đối tượng được thông báo về thi hành án hoặc thủ tục thông báo của cơ quan thi hành án dân sự cho Trại giam, Trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù biết về việc cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự khác...thủ tục thông báo, đối tượng được Chấp hành viên thông báo khi tổ chức cưỡng chế, kê biên đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba chiếm giữ. Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ thi hành hành án để làm rõ vi phạm trong việc gửi quyết định về thi hành án và thông báo về thi hành án, cần xem xét làm rõ các nội dung sau:
+ Số lượng hồ sơ đã ra quyết định thi hành án nhưng không gửi hoặc chậm gửi các quyết định cho Viện kiểm sát.
+ Số lượng hồ sơ đã ra quyết định thi hành án nhưng không thông báo thời gian tự nguyện thi hành án.
+ Số hồ sơ khi cơ quan THADS ra quyết định thi hành án Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành quyết định thi hành án đã để quá thời hạn mới tống đạt quyết định thi hành án hoặc quá thời hạn mới thông báo tự nguyện thi hành án.
+ Số hồ sơ Cơ quan thi hành án dân sự chuyển trực tiếp hoặc qua bưu điện quyết định thi hành án dân sự cho Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, nơi có phạm nhân là người phải thi hành đang chấp hành hình phạt tù (việc chuyển trực tiếp thì phải lập biên bản giao, nhận, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên người giao, người nhận, nội dung giao nhận; họ tên, chữ ký của bên giao, bên nhận).
+ Số hồ sơ cưỡng chế, kê biên đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba chiếm giữ...không thông báo hoặc thông báo không hợp lệ cho những người liên quan để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định.
+ Xác định số hồ sơ cơ quan thi hành án dân sự ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự khác không thông báo bằng văn bản cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù biết về việc ủy thác thi hành án dân sự.
+ Xác định có hay không có vi phạm của Chấp hành viên về thông báo cho đương sự trong trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp...
- Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm, Kiểm sát viên phải chú ý kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục, nội dung việc tổ chức thi hành bản án, quyết định; đối chiếu tài liệu của hồ sơ thi hành án với các tài liệu có trong hồ sơ bán đấu giá tài sản (do VKSND yêu cầu trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc doanh nghiệp bán đấu giá cung cấp) hoặc đối chiếu với các tài liệu do đương sự cung cấp...qua đó tìm ra được những điểm mâu thuẫn, vi phạm của cơ quan THADS trong đó có vi phạm về việc gửi quyết định thi hành án và thông báo về thi hành án...
Sau khi tiến hành kiểm sát, nếu phát hiện vi phạm pháp luật và trong thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 2 Điều 160 Luật thi hành án dân sự; Viện kiểm sát có quyền kháng nghị với cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị... có trách nhiệm trong việc thi hành án theo quy định tại Điều 28 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Điều 64, 160, 161 Luật thi hành án dân sự (được sửa đối, bổ sung năm 2014); Điều 34 Quy chế 810 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSNDTC. Khi phát hiện một tình trạng vi phạm nhưng thời hạn kháng nghị đã hết hoặc mức độ vi phạm chưa đến mức phải kháng nghị thì Viện kiểm sát kiến nghị với cơ quan vi phạm (Điều 5 Luật tổ chức Viện kiểm sát nân dân năm 2014; Điều 35 Quy chế 810 ngày 20/12/2016).

Tác giả bài viết: Phạm Thị Chung - P11,VKSND tỉnh Điện Biên

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 532
  • Hôm nay: 88601
  • Tháng hiện tại: 2689120
  • Tổng lượt truy cập: 23332500
2
1