00:51, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

Hành vi của A, B, C, D có phạm tội: Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Nội dung: Vào khoảng 21 giờ ngày 22/3/2016, M đến lán chăn nuôi của gia đình X. Tại đây M đã lén lút trộm cắp 07 con gà (6 con gà mái mỗi con có trọng lượng 1,5 kg; 01 con gà trống có trọng lượng 02 kg) của gia đình M có giá trị 1.650.000 đồng. Sau khi trộm cắp gà xong M đem gà đến nhà A tại đây khi A hỏi: “gà ở đâu mà nhiều thế” thì M trả lời: “gà do M đi trộm cắp của người dân tộc Thái bản L”. Sau đó M để gà ở gia đình A rồi đi tìm người để bán số gà vừa trộm cắp được. M đã bán cho B và C mỗi người 02 con gà mái với giá 100.000 ngàn đồng (03kg trị giá 450.000 đồng), D 01 con gà trống với giá 50.000 đồng (02 kg trị giá 300.000 đồng). Khi mua gà M đều nói với B, C, D là: “gà do M đi trộm cắp của người dân tộc Thái bản L”. Còn 02 con gà mái (03kg trị giá 450.000 đồng) M làm thịt và ăn tại nhà A. Tại bản kết luận định giá tài sản kết luận: 07 con gà của M trộm cắp trị giá: 11kg x 150.000 đồng = 1.650.000 đồng.
Do M có một tiền án về tội trộm cắp tài sản nhưng chưa được xóa án tích nên Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện đã khởi tố M về tội: trộm cắp tài sản, quy định tại Điều 138 BLHS, với tình tiết định tội: “1. Người nào trộm cắp tài sản … dưới hai triệu đồng nhưng …đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Vây: Hành vi của A, B, C, D có đủ yếu tố cấu thành tội: Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, theo quy định tại Điều 250 BLHS.
Quan điểm: Hiện nay vấn đề hành vi của A, B, C, D có đủ yếu tố cấu thành tội: Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, theo quy định tại Điều 250 BLHS có hai quan điểm khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: hành vi của A, B, C, D  đủ yếu tố cấu thành tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, vì biết gà là do M phạm tội mà có, nhưng vì hám lợi nên A vẫn chứa chấp,  B, C, D vẫn mua (tiêu thụ) và hơn nữa, hành vi của M đã đủ yếu tố cấu thành Trộm cắp tài sản.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: hành vi của A, B, C, D không đủ yếu tố cấu thành tội chứa chấp hoặc tiêu thu tài sản do người khác phạm tội mà có, vì M bị khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” là do yếu tố khác (nhân thân) của M, còn tài sản mà M trộm cắp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Với tình huống nêu trên, tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất vì các lý do sau:
Thứ nhất: Căn cứ pháp luật, Tại Khoản 1 Điều 250 BLHS quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Theo hướng dẫn tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, VKSND tối cao và TAND tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền có quy định như sau:
“1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.”
Thứ hai: Điều 250 BLHS không quy định trong cấu thành cơ bản định lượng tài sản phạm tội nên chỉ cần đó là tài sản do phạm tội mà có là đã đủ dấu hiệu của tội phạm. Yếu tố định lượng trong Điều 250 được dẫn chiếu từ căn cứ “người khác phạm tội” quy định tại các điều luật khác. Trong trường hợp trên, mặc dù tài sản do M phạm tội mà có chỉ 1.650.000 ngàn đồng, nhưng hành vi của M đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tội “Trộm cắp tài sản” (bất luận vì lý do gì) thì hành vi chứa chấp, tiêu thụ của A, B, C, D phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thu tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng chí, đồng ngiệp trong và ngoài ngành./.
Tác giả bài viết: Ngọc Kiên VKS Nậm Pồ

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 317
  • Khách viếng thăm: 312
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 3015
  • Tháng hiện tại: 2603534
  • Tổng lượt truy cập: 23246914
2
1