10:14, 23/04/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

BÀN VỀ VẤN ĐỀ ĐỊNH LƯỢNG CHẤT MA TÚY THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2009)

Các tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XVIII Bộ luật hình sự năm 1999 đã sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự 1999). Theo các quy định này, các nhà làm luật sử dụng khái niệm “trọng lượng chất ma túy” để định lượng chất ma túy và lấy đó làm căn cứ định tội, định khung hình phạt. Trước đây, khái niệm này được hiểu và sử dụng thống nhất nên quá trình điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về ma túy không gặp phải trở ngại gì. Tuy nhiên, từ khi Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014 (sau đây gọi tắt là Công văn 234), khái niệm “trọng lượng chất ma túy” lại được hiểu theo một nghĩa khác. Và từ cách hiểu này đã dẫn đến hàng loạt xáo trộn trong quá trình áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Vậy, “cách hiểu mới” đó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?
Các cách hiểu khác nhau về khái niệm “trọng lượng chất ma túy”
1. Bộ luật hình sự 1999 sử dụng khái niệm “trọng lượng chất ma túy” để định lượng chất ma túy1. Khái niệm đó hoàn toàn có thể hiểu một cách giản dị rằng, đó là trọng lượng của một khối vật chất có tác dụng gây nghiện và hướng thần, nghĩa là một cục hêrôin cân được 02 gam thì trọng lượng chất ma túy là 02 gam hêrôin, 01 cục nhựa thuốc phiện cân được 05 gam thì trọng lượng chất ma túy là 05 gam nhựa thuốc phiện… Cách hiểu đó đã được các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự sử dụng thống nhất ngay từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành (Bộ luật hình sự đầu tiên và đã hình sự hóa các tội phạm về ma túy).
2. Đến ngày 17/9/2014, một cách hiểu mới về khái niệm “trọng lượng chất ma túy” đã ra đời. Đó là từ khi có Công văn 234 của Tòa án nhân dân tối cao. Công văn này đã nhắc các Tòa án địa phương: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”. “Nhắc nhở” này của Công văn 234 là đúng với quy định tại tiết 1.4 mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007 của liên ngành tư pháp trung ương (sau đây gọi tắt là TTLT số 17), mặc dù quy định nói trên chính là một điểm bất cập (xuất phát từ lỗi diễn đạt) của TTLT số 17 (sẽ được phân tích ở phần sau). Nhưng mặt khác, Công văn nêu trên còn chỉ đạo các Tòa án địa phương: “… bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy, để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo…”. Chính ý kiến chỉ đạo này đã gây hoang mang trong toàn bộ hệ thống cơ quan Tòa án của nước Việt Nam, bởi vì căn cứ vào ý kiến chỉ đạo đó, các Thẩm phán sẽ phải hiểu khái niệm “trọng lượng chất ma túy” theo một cách khác, theo đó “trọng lượng chất ma túy” đồng nghĩa với “trọng lượng tinh chất ma túy”, nghĩa là phải lấy trọng lượng của khối chất ma túy nhân với hàm lượng để tính ra trọng lượng của tinh chất ma túy, và lấy trọng lượng của tinh chất ma túy đó để làm căn cứ định tội, định khung hình phạt, xem như là một cách hiểu mới về khái niệm “trọng lượng chất ma túy” đã được quy định trong Luật hình sự. Hoang mang nhất có lẽ là các Tòa án địa phương, bởi vì các Thẩm phán ở các Tòa án này không dám chắc có đúng là Tòa án nhân dân tối cao hiểu khái niệm “trọng lượng chất ma túy” theo cách hiểu như vậy hay không. Và chính điều đó đã gây ùn tắc một số lượng rất lớn án ma túy ở giai đoạn xét xử và ở cả giai đoạn điều tra, truy tố (do Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu giám định hàm lượng chất ma túy). Còn hệ thống Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát của nước ta vẫn giữ nguyên quan điểm là phải định tội, định khung hình phạt đối với các tội phạm về ma túy theo “trọng lượng chất ma túy” (theo cách hiểu truyền thống) chứ không phải là theo “hàm lượng chất ma túy” hay “trọng lượng tinh chất ma túy” như chỉ đạo của TAND tối cao đối với các Tòa án cấp dưới. Vấn đề là: trong hai cách hiểu về khái niệm “trọng lượng chất ma túy” nói trên, cách hiểu nào là đúng theo tinh thần của pháp luật hình sự Việt Nam?
Cách hiểu nào là đúng theo tinh thần của pháp luật hình sự Việt Nam?
Đối chiếu “cách hiểu mới” của ngành Tòa án về khái niệm “trọng lượng chất ma túy”, có thể thấy rằng cách hiểu này không phù hợp với tinh thần các điều luật của Bộ luật hình sự hiện hành và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về các tội phạm ma túy. Cụ thể:
Lấy điểm g khoản 2, điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 194 Bộ luật hình sự 1999 và điểm a tiết 3.6 mục 3 phần II TTLT số 17 làm ví dụ: Các quy định này đều lấy trọng lượng nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca làm căn cứ định tội, định khung hình phạt đối với tội phạm về ma túy. Nếu “trong mọi trường hợp” đều phải giám định hàm lượng chất ma túy và “lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo” như cách hiểu của TAND tối cao thì trong trường hợp chất ma túy bị thu giữ là nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca, các cơ quan tiến hành tố tụng có phải trưng cầu giám định hàm lượng moocphin hoặc hàm lượng côcain có trong đó hay không? Nếu đã giám định và đã xác định được hàm lượng moocphin hoặc hàm lượng côcain có trong đó thì sẽ lấy trọng lượng của tinh chất moocphin hoặc tinh chất côcain làm căn cứ định tội, định khung hình phạt hay vẫn phải lấy trọng lượng của khối nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao cô ca làm căn cứ? Còn nếu đã lấy trọng lượng tinh chất moocphin hoặc tinh chất côcain đối chiếu với các điểm b và e của các khoản 2, 3, 4 Điều 194 BLHS 1999 và các điểm b và e tiết 3.6 mục 3 phần II TTLT số 17 để làm căn cứ định tội, định khung hình phạt, thì điểm g khoản 2, điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 194 Bộ luật hình sự 1999 và điểm a tiết 3.6 mục 3 phần II TTLT số 17 được quy định ra để làm gì???
Vấn đề nêu trên cũng được đặt ra một cách tương tự đối với các quy định của pháp luật hình sự về trường hợp vật chứng bị thu giữ là lá, hoa, quả cây cần sa, lá cây cô ca, quả thuốc phiện tươi và khô, hay các quy định tương tự tại các Điều luật khác của Chương XVIII Bộ luật hình sự 1999.
Một vấn đề khác nữa là ngay tại tiết 1.4 mục 1 phần I TTLT số 17 nêu trên cũng có đoạn viết: “Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy”. Như vậy, nếu một người tàng trữ 0,1 gam hêrôin giả nhưng người đó ý thức rằng đó là hêrôin thật, thì bị truy cứu TNHS về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 194 BLHS, mặc dù hàm lượng hêrôin trong đó là 0% và trọng lượng tinh chất hêrôin là hoàn toàn bằng không. Còn trong trường hợp một người tàng trữ 0,1 gam hêrôin thật, nhưng trọng lượng tinh chất hêrôin dưới 0,1 gam (ví dụ: 0,099 gam, hàm lượng hêrôin là 99%) thì theo cách hiểu của TAND tối cao, người này sẽ vô tội!!!
Như vậy, cách hiểu của TAND tối cao về khái niệm “trọng lượng chất ma túy” là không phù hợp với các quy định của Bộ luật hình sự hiện hành và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về các tội phạm ma túy. Cách hiểu này xuất phát từ việc quy định tại tiết 1.4 mục 1 phần I TTLT số 17 (là “trong mọi trường hợp… đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”) bị suy diễn thành “lấy hàm lượng để làm căn cứ kết tội các bị cáo”. Nhưng quy định trên đây chỉ là một lỗi diễn đạt của TTLT số 17, bởi lẽ không phải trường hợp nào cũng cần phải giám định hàm lượng chất ma túy và tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy như đã phân tích ở trên, mà chỉ trong hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b tiết 1.1 mục 1 phần I TTLT số 17 thì mới cần phải giám định hàm lượng moocphin để truy hồi trọng lượng chất ma túy ban đầu (trước khi bị hòa thành dung dịch, bị pha loãng, bị sử dụng).
Để khắc phục sai sót trên đây, ngày 14/11/2015, liên ngành tư pháp trung ương gồm Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (sau đây gọi tắt là TTLT số 08) để sửa đổi, bổ sung một số điểm của TTLT số 17, trong đó đã sửa đổi, bổ sung tiết 1.4 mục 1 phần I TTLT số 17 theo hướng: Không phải mọi trường hợp đều bắt buộc phải giám định hàm lượng chất ma túy, tiền chất, mà chỉ trong 04 trường hợp nêu tại các điểm a, b, c, d của tiết 1.4 đó thì mới bắt buộc phải giám định hàm lượng chất ma túy. Quy định như vậy đã phản ánh đúng bản chất, ý nghĩa của việc giám định hàm lượng chất ma túy là để truy hồi trọng lượng chất ma túy ban đầu (trước khi được trộn lẫn với các thành phần khác để sản xuất thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, hoặc bị hòa thành dung dịch, bị pha loãng, bị sử dụng) mà thôi.
Bên cạnh đó, TTLT số 08 còn sửa đổi, bổ sung điểm a tiết 1.1 mục 1 phần I TTLT số 17 theo hướng phân tích rõ là đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng thì cần xác định hàm lượng chất ma túy trong dung dịch để tính trọng lượng chất ma túy đó, trong đó hàm lượng chất ma túy trong dung dịch không chỉ bao gồm hàm lượng moocphin mà còn gồm cả các thành phần khác của chất ma túy ban đầu. Như vậy, có thể hiểu là trong trường hợp này, “trọng lượng chất ma túy” được truy hồi sẽ chỉ không bao gồm trọng lượng của dung môi đã được sử dụng để hòa hoặc pha loãng chất ma túy ban đầu. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của pháp luật hình sự hiện hành về vấn đề định lượng chất ma túy và phù hợp với cách hiểu truyền thống về khái niệm “trọng lượng chất ma túy”.
Cách hiểu truyền thống về khái niệm “trọng lượng chất ma túy” không chỉ phù hợp với tinh thần của pháp luật hình sự hiện hành về vấn đề định lượng chất ma túy mà còn phù hợp với lý luận khoa học về tội phạm. Theo khoa học luật hình sự, tội phạm là thể thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan. Đối với một người “có được” một khối lượng chất ma túy, người đó chỉ có thể nhận thức về chất ma túy đó theo cảm quan, như: Đó là loại ma túy gì, thể tích (to hay nhỏ), trọng lượng (nặng hay nhẹ), mà không thể biết được là hàm lượng tinh chất ma túy có trong đó là bao nhiêu. Chính vì thế, người đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo trọng lượng của toàn thể khối chất ma túy đó, chứ không phải là theo hàm lượng của tinh chất ma túy có trong đó. Ngay cả trong trường hợp khối chất ma túy đó là ma túy giả, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức đó là ma túy thật, thì người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.
Hệ lụy từ “cách hiểu mới” của Tòa án nhân dân tối cao
“Cách hiểu mới” của TAND tối cao là không phù hợp với tinh thần của pháp luật hình sự hiện hành về vấn đề định lượng chất ma túy. Nhưng đáng tiếc là cách hiểu này vẫn còn tồn tại và càng được quán triệt mạnh mẽ hơn trong nội bộ ngành Tòa án, kể cả sau khi TTLT số 08 đã được ban hành. Ngày 11/12/2015, Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 315/TANDTC-PC, trong đó hướng dẫn các Tòa án địa phương là ngoài 04 trường hợp như trong TTLT số 08 đã nêu thì còn phải trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy đối với “những vụ án mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt có mức án từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình” (trường hợp a) và “những vụ án mà trong giai đoạn xét xử, Tòa án xét thấy có đủ căn cứ để xác định người thực hiện hành vi phạm tội đã pha trộn các chất không phải là chất ma túy, tiền chất vào chất ma túy, tiền chất” (trường hợp b). Mặc dù Công văn nêu trên đã thể hiện việc nhận thức về khái niệm “trọng lượng chất ma túy” theo cách hiểu truyền thống (ở trường hợp b), nhưng việc hướng dẫn ở trường hợp a lại cho thấy một cách hiểu khác tương tự như “cách hiểu mới” của Công văn 234, tất nhiên là Công văn 315 này “bỏ lửng”, không nêu rõ là trong trường hợp a, sau khi đã có kết quả giám định hàm lượng chất ma túy thì việc xử lý đối với người phạm tội sẽ căn cứ vào cái gì, là trọng lượng hay hàm lượng chất ma túy? Sau khi TTLT số 08 được ban hành, gút mắc trong nhận thức về khái niệm “trọng lượng chất ma túy” đã được gỡ bỏ trong đại bộ phận các Thẩm phán, các Tòa án địa phương đồng loạt đưa ra xét xử các vụ án ma túy bị “ùn tắc” từ khi có Công văn 234, theo đúng đường lối giải quyết “truyền thống” trước đây. Nhưng đến khi Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, “cách hiểu mới” về khái niệm “trọng lượng chất ma túy” lại được đem ra quán triệt, và lần này là quán triệt đến “mọi trường hợp thu giữ được chất ma túy” chứ không phải chỉ giới hạn trong 04 trường hợp của TTLT số 08 và 02 trường hợp của Công văn 315. Mặc dù chỉ là “chỉ đạo miệng” nhưng là ý kiến chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao nên các Tòa án địa phương vẫn phải chấp hành mà không dám có ý kiến gì. Dẫn đến một loạt các trường hợp, mặc dù trọng lượng chất ma túy đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng “trọng lượng tinh chất ma túy” không đủ, đã được Tòa án cho miễn trách nhiệm hình sự, dẫn đến bỏ lọt tội phạm; Bên cạnh đó là một số rất lớn các trường hợp được Tòa án xử theo khung hình phạt nhẹ hơn khung hình phạt Viện kiểm sát truy tố, đặc biệt có những trường hợp, Viện kiểm sát truy tố bị cáo theo khoản 4 Điều 194 BLHS, nhưng Tòa án kết tội bị cáo theo khoản 1 Điều 194 BLHS.
Qua những phân tích trên đây, chúng ta thấy được rằng vấn đề khái niệm “trọng lượng chất ma túy” cần phải được hiểu đúng và thống nhất như cách hiểu trước đây. Có như vậy thì việc áp dụng pháp luật để xử lý đối với các tội phạm về ma túy mới được đúng đắn, thống nhất và đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
 
--------------------------------------------------------------------------------------------
         
Chú thích:
(1): Bộ luật hình sự hiện hành sử dụng khái niệm “trọng lượng chất ma túy” và đơn vị tính là gam là không phù hợp với vật lý học, vì nếu sử dụng khái niệm “trọng lượng” thì đơn vị tính phải là Newton (N), còn đơn vị tính là gam thì phải dùng khái niệm là “khối lượng”. Bộ luật hình sự năm 2015 đã khắc phục lỗi này, theo đó, đối với chất ma túy ở thể rắn thì cụm từ “trọng lượng” được thay thế bằng “khối lượng”, đối với chất ma túy ở thể lỏng thì sử dụng cụm từ “thể tích” để định lượng chất ma túy. Nhưng điều này không làm thay đổi tinh thần của Luật hình sự về vấn đề định lượng chất ma túy.
Tác giả bài viết: Thạc sỹ Nguyễn Khánh Vân - Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 401
  • Khách viếng thăm: 400
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 72494
  • Tháng hiện tại: 2426982
  • Tổng lượt truy cập: 25997138
2
1