20:14, 19/04/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH

VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ  VÀ THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH
Tại Điều 106 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 khẳng định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.”
Điều 1 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lời bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc canh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại. Như vậy, việc tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay của Tòa án nhân dân các cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ vững kỷ cương, củng cố pháp chế, đảm bảo quyền lực pháp luật được thực thi trên thực tế, điều này không chỉ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật mà còn tác động trực tiếp đến lòng tin của nhân dân đối với pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính là một trong các công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự, Văn phòng thừa phát lại và Thừa phát lại từ khi bản án, quyết định dân sự, hành chính có hiệu lực thi hành cho tới khi kết thúc việc thi hành án; việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, hành chính được giải quyết xong, có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Khi kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, Viện kiểm sát nhân dân căn cứ vào quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Bộ luật hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự; Bộ luật dân sự; Bộ luật tố tụng dân sự; Bộ luật tố tụng hành chính; Luật đất đai; Luật khoáng sản; Luật nhà ở; Luật phá sản...và các văn bản pháp luật có liên quan làm căn cứ cho hoạt động kiểm sát. 
 
                              (hình ảnh mang tính chất minh họa)
Như vậy, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính thì Viện kiểm sát nhân dân phải thực hiện các nội dung kiểm sát như sau:
- Kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án;
- Kiểm sát việc tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án;
- Kiểm sát việc ra quyết định thi hành án dân sự, yêu cầu, đôn đốc thi hành bản án, quyết định hành chính;
- Kiểm sát nội dung, quyết định, việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án; việc gửi quyết định hoặc thông báo về thi hành án;
- Kiểm sát việc ủy thác thi hành án;
- Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án;
- Kiểm sát việc hoãn; tạm đình chỉ; tiếp tục; đình chỉ thi hành án;
- Kiểm sát việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án;
- Kiểm sát việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án;
- Kiểm sát việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án;
- Kiểm sát việc thi hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án; trọng tài thương mại;
- Kiểm sát việc thi hành khoản tịch thu sung quỹ Nhà nước, tiêu hủy vật chứng, tài sản; hoàn trả tiền, tài sản kê biên, tạm giữ trong bản án, quyết định hình sự;
- Kiểm sát việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước;
- Kiểm sát việc tổ chức thi hành án dân sự cho các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù;
- Kiểm sát việc thi hành các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án;
- Kiểm sát việc thi hành quyết định về phá sản;
- Kiểm sát việc thi hành phán quyết của Trọng tài thương mại, bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và phán quyết của Trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành án tại Việt Nam;
- Kiểm sát việc bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thực hiện nghĩa vụ thi hành án; 
- Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính;
- Kiểm sát việc kết thúc thi hành án;
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự;
- Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự;
- Kiểm sát việc xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; 
- Kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại.
 
Tác giả bài viết: Phạm Thị Chung - Phòng 11, VKSND tỉnh Điện Biên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 422
  • Hôm nay: 121006
  • Tháng hiện tại: 2057993
  • Tổng lượt truy cập: 25628149
2
1