19:43, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

Thẩm quyền điều tra trong trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội?

         Theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, thì Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn: Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an (khoản 2 Điều 17).
          Như vậy ngoài hai Chương XIII và Chương XXVI, Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh còn có nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành điều tra đối với 17 loại tội phạm, khi tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân. Việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh như vậy đã rõ ràng. Theo đó Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ không còn nhiệm vụ, quyền hạn để tiến hành điều tra đối với 17 loại tội phạm nói trên nữa.
          Tuy nhiên trên thực tế sẽ phát sinh những tình huống một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội, trong đó có tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra, có tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn điều tra của Cơ quan an ninh điều tra Công an cấp tỉnh. Khi đó Cơ quan điều tra nào có nhiệm vụ, quyền hạn để tiến hành điều tra đối với vụ án?
          Ví dụ: một người sử dụng trái phép vũ khí quân dụng để thực hiện hành vi cướp tài sản; hoặc vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng để thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy; hoặc vừa thực hiện tội xâm phạm an ninh quốc gia, vừa thực hiện tội phạm hình sự khác…
          Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng không có Điều khoản nào quy định giao cho Cơ quan điều tra nào tiến hành điều tra đối với những vụ án này.
          Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định rõ về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền được thực hiện ;
Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân;
Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.
Quy định như vậy sẽ dễ dàng cho Cơ quan điều tra nào có nhiệm vụ, quyền hạn để tiến hành điều tra đối với những vụ án thuộc loại vừa nêu.
Nhưng đối với các vụ án do một người hoặc nhiều người cùng thực hiện nhiều hành vi phạm tội, vừa có tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh, vừa có tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra thì việc phân thẩm quyền điều tra cho cơ quan điều tra nào để không vi phạm tố tụng?
Theo quan điểm các nhân:
Trong trường hợp nếu tách vụ án để điều tra mà không làm ảnh hưởng đến kết quả điều tra, truy tố, xét xử thì ngay từ khi xác định có dấu hiệu tội phạm, nên tách luôn hành vi để giao cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra đối với hành vi thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan mình.
Trong trường hợp không thể tách hành vi được, hoặc nếu tách hành vi sẽ thuộc thẩm quyền của hai cấp xét xử khác nhau thì không nên tách vụ án mà sẽ giao thẩm quyền điều tra theo một trong các cách sau:
Nếu vụ án vừa có hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, vừa có hành vi tội phạm về hình sự khác, thì giao cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh tiến hành điều tra toàn bộ vụ án;
Nếu vụ án vừa có hành vi phạm tội thuộc một trong 17 loại tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh, vừa có hành vi phạm tội thuộc nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, thì tùy vào tính chất của tội phạm để có thể xem xét, giao thẩm quyền một cách hợp lý:
Trường hợp tội phạm hình sự khác thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện thì giao nhiệm vụ, quyền hạn điều tra toàn bộ vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiến hành điều tra;
Trường hợp tội phạm hình sự khác thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, còn tội phạm do Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiến hành điều tra chỉ thuộc loại rất nghiêm trọng, nghiêm trọng và ít nghiêm trọng thì giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh tiến hành điều tra toàn bộ vụ án.
Tuy nhiên việc giao thẩm quyền tiến hành điều tra trong các trường hợp nêu trên thì chúng ta cần bàn thêm xem ai là người có thẩm quyền để giao?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự thì, Bộ trưởng Bộ Công an có thể giao cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để bảo đảm khách quan. Tuy nhiên nếu chỉ Bộ trưởng Bộ Công an mới có thẩm quyền giao như vậy, thì việc tiến hành tố tụng sẽ phải kéo dài, không tiến hành được ngay các biện pháp tố tụng nhằm ngăn chặn ngay hành vi phạm tội được. Theo tôi, Bộ trưởng Bộ Công an có thể ra văn bản ủy quyền cho Giám đốc Công an cấp tỉnh có thể được giao thẩm quyền tiến hành điều tra một số vụ án thuộc các trường hợp nêu ở trên, để Giám đốc Công an cấp tỉnh kịp thời giao nhiệm vụ cho Cơ quan điều tra tiến hành điều tra đối với những vụ án có tính tranh chấp về thẩm quyền điều tra, có như vậy việc tiến hành điều tra mới đảm bảo không vi phạm tố tụng và việc tiến hành điều tra mới đảm bảo tính kịp thời.
Trên đây mới chỉ là ý tưởng đề xuất của cá nhân để giải quyết các trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh và Cơ quan Cảnh sát điều tra – Rất mong nhận được những ý kiến tham gia, trao đổi của các đồng nghiệp, đồng thời kiến nghị với liên ngành tố tụng trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không gặp phải khó khăn, vướng mắc./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Sơn - P1

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 458
  • Khách viếng thăm: 457
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 100003
  • Tháng hiện tại: 2700522
  • Tổng lượt truy cập: 23343902
2
1