18:34, 19/04/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

Luận bàn về quy định bắt, tạm giữ trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

          Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, thì có các trường hợp bắt người đó là: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang; bắt người đang bị truy nã; bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
          Điều 17 quy định về tạm giữ: Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
          Như vậy trong các trường hợp, giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người theo quyết định truy nã, người phạm tội tự thú, người phạm tội đầu thú, thì người phạm tội đều đã có mặt tại cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và trong trường hợp xét thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giữ thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định tạm giữ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như bắt người phạm tội quả tang, bắt người bị truy nã, thì những người này đã bị bắt, sau đó người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới ra quyết định tạm giữ. Đối với trường hợp người phạm tội tự thú hoặc đầu thú thì đã có biên bản về việc tự thú, đầu thú.
Riêng đối với trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì Bộ luật tố tụng hình sự lại có quy định khác, có thể nói là trái ngược với các trường hợp vừa nêu. Tại khoản 4 Điều 110 quy định:
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Quy định như vậy nghĩa là trình tự tố tụng tiến hành sẽ là giữ người trong trường hợp khẩn cấp bằng lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, trong thời hạn 12 giờ nếu có đủ căn cứ thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ
Sau đó mới ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Hiểu một cách tuần tự theo đúng trình bày của Điều luật thì rõ ràng sau khi ra quyết định tạm giữ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (quyết định tạm giữ phải ghi rõ tạm giữ từ giờ ngày tháng năm đến giờ ngày tháng năm, thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới được ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Vậy sau khi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đã có quyết định tạm giữ, thì tư cách tham gia tố tụng của họ lúc này đã bị coi là người bị tạm giữ hay chưa? Nếu đã bị coi là người bị tạm giữ thì Lệnh bắt người lúc này có còn là lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp nữa hay không?
Điều này cũng trái ngược với trình tự tố tụng thông thường là bắt người trước sau đó mới ra quyết định tạm giữ. Nếu như Bộ luật tố tụng hình sự quy định: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, trong thời hạn 12 giờ nếu có căn cứ thì ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và ra quyết định tạm giữ, thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn.
Theo quan điểm cá nhân tôi, mặc dù Bộ luật quy định trình tự như vậy, nhưng trong thực tiễn Việc ra quyết định tạm giữ và việc ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp sẽ được tiến hành một cách đồng thời. Sau khi có Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ, lúc này người tiến hành tố tụng mới công bố cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp biết lệnh và quyết định và tiến hành lập biên bản bắt người. Chỉ sau khi hoàn tất mọi thủ tục cần thiết mới bàn giao người bị tạm giữ cho Nhà tạm giữ./.
Mong các đồng nghiệp cùng trao đổi về nội dung này.
Người thực hiện: Nguyễn Hữu Sơn – VKSND tỉnh Điện Biên – SĐT: 0912369233.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Sơn - P1

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 409
  • Hôm nay: 121006
  • Tháng hiện tại: 2049288
  • Tổng lượt truy cập: 25619444
2
1