01:25, 19/04/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

Giả danh công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản

     Qua công tác kiểm sát thụ lý, giải quyết tố giác tội phạm của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Điện Biên Phủ, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Điện Biên Phủ phát hiện trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ một số đối tượng lợi dụng công nghệ thông tin, giả danh cơ quan công an gọi điện cho người dân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
 


Ảnh minh họa
 
     Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 18/9/2017, chị T.T.D ( trú tại thành phố Điện Biên Phủ) nhận cuộc gọi vào điện thoại cố định của gia đình. Đối giới thiệu là trung tá công an, công tác tại Bộ công an đang điều tra vụ án ma túy xuyên quốc gia và chị D có liên quan đến việc mua bán ma túy. Đối tượng đã dò hỏi, kiểm tra số chứng minh nhân dân của chị D, sau đó đối tượng chuyển máy cho một người tự xưng tên Bình là trung tá công tác tại đơn vị trên. Bình thông báo cho chị D là hiện chị D đang có 4 tỷ đồng chuyển về từ nước ngoài. Nay đã có lệnh bắt giam chị D 02 tháng để điều tra và sẽ thi hành lệnh này vào 16 giờ cùng ngày. Sau đó đối tượng dò hỏi về hoàn cảnh gia đình, yêu cầu cung cấp số điện thoại di động, các khoản tiền gửi tại các ngân hàng. Đối tượng tiếp tục sử dụng điện thoại gọi liên tục vào số di động của chị D, yêu cầu chị ra ngân hàng chuyển số tiền 200 triệu đồng vào một tài khoản tại ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) chi nhành tại Hà Nội để xác minh, điều tra số tiền của chị D có trong sạch không. Đối tượng yêu cầu chị D không được tắt máy điện thoại và phải  giữ bí mật không được nói cho ai biết nội dung trao đổi. Khoảng 16 giờ ngày 18/9/2017 chị D đã ra ngân hàng rút và chuyển số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp.
Sau khi chuyển tiền xong, đi về nhà chị D nghi ngờ đây là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã lập tức đến Công an thành phố Điện Biên Phủ trình báo.
Công an thành phố Điện Biên Phủ đã tiếp nhận tố giác của chị D, phối hợp với ngân hàng SCB kịp thời phong tỏa tài khoản, ngăn ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra và tiếp tục xác minh làm rõ nội dung vụ việc.
     Vụ việc của chị D là bài học cảnh tỉnh đối với người dân về hành vi của một số đối tượng giả danh là cán bộ công an, chúng thường gọi điện vào các gia đình có số điện thoại bàn, thời gian hoạt động chủ yếu vào giờ hành chính, bởi đây là thời điểm phần lớn các thành viên trong gia đình đi làm, chỉ có người già ở nhà và thường có tài khoản tiết kiệm, dễ tác động tâm lý. Người dân cần cảnh giác, thông báo hình thức lừa đảo của tội phạm cho các thành viên trong gia đình, nhất là người già, ít tiếp cận thông tin, báo chí; nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng... Khi bị người lạ yêu cầu, người dân không được chuyển tiền ngay mà kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh bắt giữ tội phạm. Nếu đã chuyển tiền thì liên hệ ngay với ngân hàng nơi gửi hoặc báo cho cơ quan công an để phong tỏa tài khoản, ngăn chặn thiệt hại xảy ra./.
 

Tác giả bài viết: Phạm Văn Năng – VKSND Tp. Điện Biên Phủ

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 399
  • Hôm nay: 66450
  • Tháng hiện tại: 1960437
  • Tổng lượt truy cập: 25530593
2
1