06:55, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

CẦN NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 144 THẾ NÀO CHO ĐÚNG

       Bộ luật hình sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự năm 2015), ngày 27/11/2015 Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết Số109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015(sau đây gọi là Nghị quyết số 109). Trong quá trình chuẩn bị triển khai thực hiện Bộ luật hình sự  năm 2015 đã phát hiện nhiều sai sót trong Bộ luật này nên ngày 29/6/2016 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật sửa đổ, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 vảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 (sau đây gọi là Nghị quyết số 144).

          Tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định: “Lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 từ ngày 01 tháng 7 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này.”
          Tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144 quy định: “ 4. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016:
a) Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13;
b) Áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 tại điểm a khoản này;
c) Các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự và tại Nghị quyết số 110/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự có ghi thời điểm “ngày 01 tháng 7 năm 2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành”.

Hiện nay ở các địa phương còn có nhiều ý kiến khác nhau khi triển khai Nghị quyết số 109 và Nghị quyết số 144:

          Ý kiến thứ nhất cho rằng: do Nghị quyết số 144 đã lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015 nên kể từ ngày 01/7/2016 các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổ, bổ sung năm 2009 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Đối với những quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2015, thì các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ áp dụng “tinh thần” của các quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2015 khi giải quyết vụ án.

         Ý kiến thứ hai cho rằng: kể từ ngày 01/7/2016 Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát vẫn áp dụng  toàn bộ các quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổ, bổ sung năm 2009 để khởi tố, điều tra, truy tố. Khi xét xử Toà án áp dụng những quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2015 cho bị cáo (như tình tiết giảm nhẹ mới, hình phạt nhẹ hơn…).

          Ý kiến thứ ba cho rằng: các quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2015 đã được hướng dẫn trong Nghị quyết số 109, Nghị quyết số 144 cần được áp dụng luôn đối với người phạm tội, thời hiệu áp dụng các quy định này thực hiện theo quy định về hiệu lực trong Bộ luật hình sự năm 2015 và các Nghị quyết nêu trên của Quốc hội. Khi giải quyết vụ án có các tình tiết có lợi cho người phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2105, các Nghị quyết của Quốc hội thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để giải quyết (Điều, khoản, điểm cụ thể của Bộ luật hình sự năm 2105) chứ không chỉ áp dụng “tinh thần” của Bộ luật hình sự năm 2015.

          Quan điểm của cá nhân tôi thống nhất với ý kiến thứ ba, bởi các lẽ sau: theo quy định tại điều 426 Bộ luật hình sự năm 2015 thì Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, tuy nhiên theo Nghị quyết số 109 thì nhiều tình tiết có lợi cho người phạm tội được áp dụng cả với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử; Nghị quyết 109 còn quy định 1 số nội dung cụ thể của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này được công bố (ngày 09/12/2015) tức là trước cả ngày Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.

          Nghị quyết 144 quy định lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự năm 2015, tuy nhiên không phải là lùi hiệu lực thi hành đối với toàn bộ Bộ luật hình sự năm 2015, mà trong Nghị quyết chỉ rõ: kể từ ngày 01/7/2016 thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13. Như vậy các quy định có lợi cho người phạm tội như đã nêu ở trên phải được áp dụng điều, khoản cụ thể của Bộ luật hình sự năm 2015 khi giải quyết vụ án; việc áp dụng phải thống nhất ở tất cả các giai đoạn tố tụng từ  khởi tố, điều tra, truy  tố, xét xử, chứ không chỉ áp dụng “tinh thần” của Bộ luật như ý kiến thứ nhất, hay giai đoaạn khởi tố, điều tra, truy tố thì áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999, đến giai đoạn xét xử lại áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015 như ý kiến thứ hai nêu trên.

        Điểm đáng lưu ý là khi áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 và các Nghị quyết của Quốc hội, cần nghiên cứu so sánh chi tiết đến từng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự năm 2015 với các quy định tương ứng trong Bộ luật hình sự năm 1999, vì trong 1 Điều, thậm chí trong 1 khoản cũng có điểm là có lợi, có điểm lại không có lợi. Ví dụ: nếu so sánh mức hình phạt của tội tàng trữ trái phép chất ma tuý quy định tại khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự năm 2015 với khoản 1 Điều 194 Bộ luật hình sự năm 199 thì khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự năm 2015 là có lợi so với khoản 1 Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999; tuy nhiên nếu xét đến khối lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự của một chất ma tuý cụ thể như Methamphetamine thì quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 lại không có lợi so với quy định tại khoản 1 Điều 194 (được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 17).

        Trong khi chờ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 109, Nghị quyết số 144 được thống nhất trong toàn ngành./.
   
Tác giả bài viết: Vi Văn Hải

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 462
  • Khách viếng thăm: 461
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 95502
  • Tháng hiện tại: 2696021
  • Tổng lượt truy cập: 23339401
2
1