03:20, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

Trao đổi tìm hiểu pháp luật

Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, một số Kiểm sát viên nêu câu hỏi, cần sự giải đáp. Tôi xin trao đổi như sau:
1. Câu hỏi thứ nhất:
Theo quy định tai điểm b khoản 1 Điều 32, điểm b khoản 1 Điều 34 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự (Đồn trưởng đồn biên phòng, hạt trưởng hạt kiểm lâm) quy định: “Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, …;”
Tuy nhiên tại khoản 3 Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm Lâm, Biên phòng khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, từ điểm a đến điểm d không quy định nhiệm vụ, quyền hạn khám nghiệm hiện trường.
Vậy quy định tại Điều 32, 34 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự với Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự có mâu thuẫn không. Thực tiễn khi tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ví dụ: Hủy hoại rừng (diện tích lớn, thiệt hại lâm sản lớn…) thì hạt trưởng hạt kiểm lâm có chủ trì tiến hành khám nghiệm hiện trường hủy hoại rừng hay không. Hơn nữa Điều 201 BLTTHS quy định: “Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm …” Không quy định Hạt trưởng hay Đồn trưởng chủ trì khám nghiệm hiện trường.
Tại khoản 3 Điều 201 BLTTHS quy định  “Khi khám nghiệm hiện trường phải tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình; xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm hiện trường được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này” Vậy thực tế khi Hạt kiểm Lâm, Đồn biên phòng khám nghiệm có đảm bảo thực hiện được những nội dung tại khoản 3 Điều 201 không.
Trả lời:
Đây là vấn đề bất cập giữa Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, khi xây dựng BLTTHS và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự không có sự xem xét, đối chiếu giữa hai Luật. Tuy nhiên hiệu lực của Bộ luật tố tụng hình sự phải được xem là cao hơn hiệu lực của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Do vậy khi tiến hành các hoạt động tố tụng phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong trường hợp có những vụ án phức tạp, việc khám nghiệm hiện trường cần có sự tham gia của cán bộ điều tra thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì KSV phải yêu cầu Cơ quan điều tra thông báo cho các cơ quan đó cử cán bộ tham gia khám nghiệm. Trường hợp các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phát hiện các vụ án theo quy định tại khoản 3 Điều 39 BLTTHS, xét thấy cần phải khám nghiệm hiện trường, thì khi tiếp nhận hồ sơ, tài liệu ban đầu, Viện kiểm sát cần trao đổi ngay với Cơ quan này chuyển giao hồ sơ, tài liệu vụ án đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành việc khám nghiệm hiện trường, yêu cầu cơ quan phát hiện tội phạm cử cán bộ tham gia việc khám nghiệm.
2. Câu hỏi thứ hai
Điều 119 BLTTHS năm 2015 quy định:
1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
3. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Vậy căn cứ vào đâu để xác định người thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu bỏ trốn và có dấu hiệu tiếp tục phạm tội?
Trả lời:
Đây là vấn đề rất khó để xác định, tuy nhiên Bộ luật tố tụng hình sự quy định như vậy, buộc chúng ta phải thực hiện nghiêm chỉnh. Trách nhiệm chứng minh các dấu hiệu này thuộc về Cơ quan điều tra, nếu Cơ quan điều tra không có tài liệu chứng minh các dấu hiệu đó trong hồ sơ vụ án đề nghị phê chuẩn tạm giam bị can hoặc bắt bị can để tạm giam thì VKS phải từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam hoặc lệnh bắt bị can để tạm giam.
Trong trường hợp người phạm tội có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Thì Cơ quan điều tra cũng phải có tài liệu để chứng minh.
3. Câu hỏi thứ ba
Trường hợp Viện kiểm sát phải áp dụng biện pháp tạm giam truy tố đối với người  dưới 18 tuổi thì cách tính thời hạn tạm giam sẽ như thế nào? Vì BLTTHS năm 2015 quy định chỉ được tạm giam bị can đối với người dưới 18 tuổi bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi.
Khi tính 2/3 của 20 ngày = 13,3 ngày; 2/3 của 10 ngày = 6,6 ngày. Trong trường hợp này thì tính như thế nào, làm tròn lên hay tròn xuống ?
Trả lời: Trong trường hợp này  chúng ta phải tính theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội và phải làm tròn xuống.
4. Câu hỏi thứ tư
Điều 456. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Khoản 1 quy định: Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện:
a)    Người thực hiện hành vi phạm tội quả tang hoặc người tự thú;
b)    Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
c)    Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.
Tại khoản 1 Điều 457 quy định: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Như vậy đối với tất cả các vụ án đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Vậy đối với vụ án do người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện, đáp ứng đủ các điều kiện trên thì có quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hay không?
Trả lời:
Đối với vụ án do người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện, khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS, thì vẫn không áp dụng thủ tục rút gọn, bởi lẽ:
Đối với người thực hiện hành vi phạm tội dưới 18 tuổi, Bộ luật tố tụng hình sự có quy định riêng về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (Chương XXVIII), theo đó Điều 423 quy định: Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Trong khi đó Phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn chỉ do một thẩm phán tiến hành. Chính vì vậy nếu áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội sẽ vi phạm Điều 423 BLTTHS.
(Mong các đồng chí tiếp tục nghiên cứu và trao đổi trên diễn đàn)
Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Sơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 467
  • Khách viếng thăm: 461
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 14026
  • Tháng hiện tại: 2614545
  • Tổng lượt truy cập: 23257925
2
1