19:46, 23/04/2024
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên

Góp ý dự thảo Luật Thi hành án hình sự

Góp ý dự thảo Luật Thi hành án hình sự
Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) đang được trưng cầu ý kiến của nhân dân để Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới đây. Qua nghiên cứu dự thảo Luật Thi hành án hình sự, đối chiếu với Bộ luật hình sự năm 2015, thấy rằng đang còn có vấn đề bất cập, nếu Ban soạn thảo không bổ sung vào dự thảo, sau này các cơ quan thực thi pháp luật sẽ rất khó thực hiện.
     Theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 thì:
     2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Như vậy Bộ luật hình sự 2015 đương nhiên thừa nhận cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc (người được hưởng án treo) cũng là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự.
     Tuy nhiên dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) lần này tại khoản 3 Điều 11 chỉ quy định Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội là cơ quan được giao một số nhiệm vụ Thi hành án hình sự. Không quy định cơ quan, tổ chức là cơ quan được giao một số nhiệm vụ Thi hành án hình sự, việc không quy định như vậy sẽ trái với khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự 2015.
     Tại khoản 1 Điều 84 dự thảo Luật Thi hành án hình sự quy định: Quyết định Thi hành án treo:
     1. Quyết định thi hành án phải ghi rõ họ tên người ra quyết định bản án, quyết định được thi hành; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được hưởng án treo; hình phạt bổ sung; hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 Bộ luật hình sự; Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo (không có cơ quan, tổ chức).
     Việc không quy định cơ quan, tổ chức  được quyền giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong Luật Thi hành án hình sự sẽ gây trở ngại rất lớn cho công tác Thi hành án hình sự của Cơ quan Thi hành án hình sự đối với những bản án của Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó đang công tác giám sát, giáo dục. Trong thực tiễn, hiện nay Tòa án đã tuyên giao người được hưởng án treo cho cơ quan nơi người đó làm việc có trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Cơ quan Thi hành án hình sự cấp huyện lung túng không biết tiến hành thủ tục giao như thế nào cho đúng vì Luật Thi hành án hình sự hiện hành không quy định cho cơ quan, tổ chức có quyền giám sát, giáo dục đối với người được hưởng án treo; Cơ quan được giao quản lý, giám sát giáo dục người được hưởng án treo cũng không biết phải căn cứ vào đâu để phân công người quản lý, giám sát, giáo dục và các thủ tục nhận xét, đánh giá đối với người được hưởng án treo phải tiến hành như thế nào?
     Để Luật Thi hành án hình sự được phù hợp với Bộ luật hình sự, thiết nghĩ, Ban soạn thảo cần bổ sung vào khoản 3 Điều 11 và khoản 1 Điều 84 Cơ quan, tổ chức cho phù hợp với khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự; đồng thời quy định chi tiết thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, giám sát giáo dục đối với người được hưởng án treo.
     Trường hợp không bổ sung cơ quan, tổ chức vào Luật Thi hành án hình sự thì kiến nghị với Quốc hội sửa khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự, bỏ cụm từ cơ quan, tổ chức./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Sơn – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên – Số điện thoại 0912369233.

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết

  • Đang truy cập: 392
  • Khách viếng thăm: 391
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 80374
  • Tháng hiện tại: 2471011
  • Tổng lượt truy cập: 26041167
2
1