QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
+ Bộ máy, tổ chức: gồm 10 phòng nghiệp vụ; 10 đơn vị huyện, thị xã, thành phố
+ Tổng biên chế hiện nay:
+ Lãnh đạo viện: - Viện trưởng: Phan Văn Kỷ
- Các phó viện trưởng: Vũ Trung Thành; Vi Văn Hải; Nguyễn Hữu Sơn
+ Ban cán sự đảng
+ Ủy ban kiểm sát
+ Đảng bộ
+ Công đoàn
+ Đoàn thanh niên
+ Hội CCB
+ Hội luật gia
+ Ban Biên tập Trang thông tin
PHẦN I: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN, THỰC HIỆN CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CÁN BỘ
1.Giai đoạn 1960 - 2003:
* Từ 1960 - 1975:
Sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân xuất phát từ nhu cầu khách quan của việc xây dựng bộ máy Nhà nước XHCN và yêu cầu của việc tăng cường pháp chế XHCN. Ngày 26/7/1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Luật tổ chức VKSND, đánh dấu sự ra đời của ngành KSND trong bộ máy Nhà nước XHCN ở nước ta. Với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố Nhà nước; cùng với sự ra đời của ngành KSND thì Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh được thành lập, VKSND Khu tự trị Thái Mèo (năm 1962 đổi thành Khu tự trị Tây Bắc) được thành lập.
Ngày 27/10/1962, tại kỳ hợp thứ V Quốc hội khóa II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và thành lập 2 tỉnh Lai Châu và Sơn La. Ngày 12/12/1962 Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 2205/QĐ-VKSTC thành lập Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu và bổ nhiệm đồng chí Trần Hoạt nguyên là Bí thư Châu Mường Lay làm Viện trưởng. Cán bộ của VKS lúc bấy giờ chủ yều là bộ đội tham gia kháng chiến chống pháp xuất ngũ và một số đồng chí được tăng cường từ VKS khu Tây Bắc. Viện kiểm sát tỉnh thành lập một chi bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh Lai Châu.
Bộ máy tổ chức của Viện kiểm sát tỉnh được hình thành 3 khối: Khối hình sự; Khối kiểm sát chung và Khối Văn phòng; có 7 Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm: Viện kiểm sát các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Tủa Chùa, Điện Biên, Mường Lay, Phong Thổ và Tuần Giáo; biên chế mỗi Viện kiểm sát cấp huyện từ 1 đến 3 người, các phòng thuộc tỉnh được biên chế từ 2 đến 3 người.
Thời kỳ này chức năng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu thực hiện một chức năng duy nhất là Kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Hoạt động của kiểm sát bước đầu hướng vào lĩnh vực quản lý kinh tế, tập trung bảo vệ quyền dân chủ ở nông thôn và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống tham ô, lãnh phí của công.
Miền Bắc đi lên xây dựng CNXH nhưng phải trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, vừa sản xuất, chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho Cách mạng Miền Nam, nhiệm vụ mới của ngành Kiểm sát là phải tập trung phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên 2 mặt trận xản xuất và chiến đấu, cùng với nhiệm vụ chung của ngành Kiểm sát, VKSND tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo, phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ tài sản XHCN, bảo vệ vật tư quốc phòng, đấu tranh chống các hành vi trộm cắp, tham ô, phân phối, sử dụng sai chính sách, chế độ; kiểm sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan quản lý, phân phối các vật tư, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm. Cùng với nhiệm vụ bảo vệ, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm tài sản XHCN, VKSND tỉnh Lai châu cũng thường xuyên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chấp hành các chính sách hậu phương quân đội, phục vụ có kết quả các đợt huy động làm nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lao động phục vụ chiến đấu.
Về bộ máy tổ chức: VKS cấp tỉnh vẫn duy trì 3 khối, nhưng đã hình thành các Tổ trong khối như: Khối hình sự có Tổ Trị an, Tổ kinh tế, Tổ giam giữ cải tạo, Tổ kiểm sát xét xử phúc thẩm kiêm thi hành án; Khối kiểm sát chung có Tổ kiểm sát chung, Tổ dân sự; Khối Văn phòng tổng hợp và Tổ chức. Ở cấp huyện thực hiện Quyết định số 189/CP của Chính phủ về thành lập Thị xã Lai châu ngày 8/10/1971, VKSND thị xã Lai châu được ra đời.
Lực lượng cán bộ: Chủ yếu do bộ đội chuyển ngành và tuyển dụng cán bộ trẻ tốt nghiệp phổ thông trung học sau đó cử đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ 3 tháng, 6 tháng ở Khu Tây Bắc. Năm 1970 trường đào tạo cán bộ Kiểm sát thành lập VKSND tỉnh Lai châu đã cử một số cán bộ tham gia học lớp trung cấp kiểm sát. Năm 1975 Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, VKS Khu tự trị Tây Bắc giải thể cán bộ được tăng cường cho VKS tỉnh Lai châu. Năm 1978 trường Cao đẳng Kiểm sát được thành lập, VKS tỉnh Lai châu tiếp tục cử, tuyển cán bộ học tập trung các hệ cao đẳng, trung cấp về phục vụ cho ngành.
*Giai đoạn từ 1975 - 1990:
Đây là thời kỳ đất nước mới được giải phóng, cả nước đi lên CNXH nhưng vẫn phải đương đầu với những khó khăn của 30 năm chiến tranh, hậu quả trầm trọng của tệ quan liêu bao cấp đã làm cho kinh tế, xã hội, sản xuất thấp kém, đời sống khó khăn, tệ nạn xã hội nặng nề, bọn phản động trong nước cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài chống phá Cách mạng nước ta, chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Tình hình đó đặt ra cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm những yêu cầu mới để bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ pháp chế XHCN. Đại hội đảng toàn quốc lần thứ V (1982) đã cụ thể hóa đường lối Cách mạng XHCN và đường lối xây dựng nền kinh tế XHCN ở nước ta, xác định mục tiêu kinh tế - xã hội những năm 1980 nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược Cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc tổ quốc XHCN. Hiến pháp năm 1980 xác định nguyên tắc pháp chế XHCN là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quản lý Nhà nước, Luật tổ chức VKS năm 1981 đã xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát. Cùng với ngành Kiểm sát cả nước, VKSND tỉnh Lai châu đã chú trong hướng công tác kiểm sát phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội như nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất lương thực, sản xuất hàng tiêu dùng, thu mua sản phẩm, cải tiến phân phối lưu thông, bảo vệ tài sản và chế độ quản lý kinh tế XHCN; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là từ năm 1986 đến 1990 thực hiện quan điểm đổi mới của Đảng, ngành Kiểm sát nhân dân đã có những đổi mới mạnh mẽ về tổ chức hoạt động và thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Về bộ máy tổ chức: Sau khi Luật tổ chức VKSND năm 1981 được sửa đổi ban hành, bộ máy VKSND tỉnh Lai châu được kiện toàn gồm: Phòng kiểm sát chung, khiếu tố; Phòng Kiểm sát điều tra án trị an, an ninh; Phòng kiểm sát điều tra án kinh tế; Phòng kiểm sát giam giữ, cải tạo, thi hành án; Phòng kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự; Phòng kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật; Văn phòng tổ chức; cấo huyện có 8 VKSND huyện, thị. Biên chế VKSND tỉnh Lai châu được VKS tối cao giao 105 người, được tuyển dụng từ học sinh tốt nghiệp phổ thông trường Dân tộc nội trú tỉnh và trường nội trú Khu Tây Bắc; VKS tỉnh đã mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ 6 tháng và cử cán bộ theo học nghiệp vụ 6 tháng liên cụm ở tỉnh Yên Bái, đào tạo tập trung ở trường Cao đẳng kiểm sát Hà Nội hệ trung cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh.
*Giai đoạn từ 1990 đến 2003:
Tiếp tục quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng, sự đổi mới mạnh mẽ của ngành Kiểm sát về tổ chức và hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu đã ổn định về tổ chức, bộ máy VKS tỉnh gồm các phòng (Phòng kiểm sát điều tra án trị an, an ninh; phòng KSĐT án kinh tế; Phòng kiểm sát chung; Phòng Điều tra; phòng KSXX phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự;; phòng kiểm sát các vụ, việc dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật; phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; phòng KSTHA;; phòng Tổ chức khiếu tố; Văn phòng tổng hợp và Thống kê tội phạm). Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã đạt được kết quả tích cực: Công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội luôn bám sát Nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện sự chỉ đạo của ngành VKSND tỉnh Lai Châu đã tập trung kiểm sát các ngành trọng điểm, then chốt trong nền kinh tế như Ngân hàng, lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai; quản lý Nhà nước trong ngành Hải quan, chấp hành pháp luật về thuế và thu ngân sách...đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật trong các lĩnh vực trên, yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng tỷ đồng và khởi tố xử lý hình sự nhiều cán bộ có sai phạm trong kinh tế. Qua kiểm sát văn bản VKS đã phát hiện và kháng nghị, kiến nghị khắc phục nhiều văn bản của các ngành, các cấp ở địa phương có sai phạm.
Năm 2002 đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của VKS theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, Luật tổ chức VKS năm 2002 đã quy định VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội nữa. VKSND tỉnh và các VKS huyện, thị xã đã điều chỉnh, điều động cán bộ cho các phòng nghiệp vụ, các khâu công tác khác nhằm tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp nhằm thực hiện tốt các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004; Nghị quyết 388 của UBTVQH về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra; tiếp tục thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 08-NQ/TW; Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị, các lĩnh vực công tác của Viện kiểm sát tỉnh đã có nhiều tiến bộ đáng kể, nhất là công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự.
5.Giai đoạn từ 2004 đến nay:
Thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 về chia tách tỉnh Lai Châu (cũ) thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, ngày 12/01/2004 Viện trưởng VKSND tối cao ban hành quyết định số 22/2004/QĐ-TCCB V/v thành lập VKSND tỉnh Điện Biên. Ngày đầu mới thành lập biên chế được giao 83 người, bộ máy làm việc của VKSND tỉnh Điện Biên gồm 8 phòng nghiệp vụ và 8 VKSND huyện, thị, thành phố. Đến nay biên chế VKSND tỉnh được giao 139 người, cấp tỉnh 54 người, cấp huyện 85 người; bộ máy gồm có cấp tỉnh 9 phòng nghiệp vụ, 9 VKS cấp huyện (Phòng THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm án kinh tế, chức vụ, trật tự trị an xã hội; Phòng THQCT, KSĐT, KSXX án an ninh, ma túy; Phòng THQCT và kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm án hình sự; Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật; Phòng kiểm sát thi hành án; Phòng Tổ chức cán bộ và Khiếu tố; Văn phòng tổng hợp; Phòng Thống kê tội phạm; VKSND thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé, Tủa Chùa, Tuần Giáo;, Mường Ảng). Kế thừa và phát huy những thành quả, kinh nghiệm hoạt động của VKSND tỉnh Lai Châu cũ, Ban sự Đảng, tập thể lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành KSND tỉnh Điện Biên đã không ngừng phấn đấu trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, kết quả đạt được đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế đảm bảo các quyền dân chủ của nhân dân địa phương.
Quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát như: Nghị quyết 08-NQ/TW, Nghị quyết 48-NQ/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính Trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp đến 2020. VKSND tỉnh Điện Biên đã có nhiều đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Số lượng các vụ án, bị can VKS thụ lý kiểm sát điều tra có chiều hướng ngày một tăng (năm 2004: 614 vụ/ 849 bị can; năm 2005: 715 vụ/1049 bị can; năm 2006: 779 vụ/1201 bị can; năm 2007: 746vụ/1172 bị can; năm 2008: 782 vụ/1137 bị can; năm 2009: 784 vụ/1115 bị can), VKS hai cấp đã làm tốt công tác kiểm sát điều tra ngày từ giai đoạn bắt, tạm giữ, khởi tố, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để vụ án được giải quyết đúng thời hạn luật định. Tổng số án kiểm sát điều tra từ năm 2004 năm 2009 là: 4428 vụ/6523 bị can; tổng số án kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa là 3767 vụ/5553 bị cáo; xét xử phúc thẩm là: 410 vụ/628 bị cáo. Viện kiểm sát hai cấp đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử ngày càng được nâng lên rõ rệt, Kiểm sát viên đã ngày càng được nâng cao kỹ năng trong việc xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa góp phần cùng Hội đồng xét xử làm rõ sự thật khách quan của vụ án; VKS hai cấp cùng với Tòa án mở các phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, qua đó tổ chức rút kinh nghiệm chung và là căn cứ để tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng Kiểm sát viên giỏi cho ngành. Do làm tốt chức năng, nhiệm vụ trong 5 năm gần đây chưa có trường hợp nào bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, truy tố, xét xử sai phải bồi thường theo Nghị quyết 388 của UBTVQH.
Thông qua các hoạt động công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, chúng ta đã tổng hợp những vướng mắc để đề xuất với Trung ương nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền thay đổi một số cơ chế, chính sách phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm. Góp phần hoàn thiện pháp luật, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác ngăn chặn và xử lý các loại tội phạm.
Trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù VKS hai cấp đã chú trọng kiểm sát thường kỳ và bất thường các nhà tạm giữ, trại tạm giam và trại giam, qua đó đã ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, góp phần bảo đảm việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Công tác kiểm sát thi hành án của Viện kiểm sát 2 cấp luôn được coi trọng, thường xuyên phối hợp với cơ quan hữu quan tiến hành rà soát để nắm chắc số người bị kết án phạt tù nhưng chưa thi hành; kiểm sát chặt chẽ các trường hợp hoãn thi hành án, hưởng thời hiệu thi hành án để có biện pháp thúc đẩy công tác thi hành án. Qua kiểm sát thi hành án , Viện kiểm sát hai cấp đã kịp thời phát hiện các vi phạm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án hình sự; ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu TAND, cơ quan thi hành án, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án khắc phục vi phạm.
Viện kiểm sát đã tích cực tham gia xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho những phạm nhân cải tạo tiến bộ; hàng năm tham gia Hội đồng Tư vấn đặc xá tỉnh để thẩm định, đề nghị Trung ương xét đề nghị Chủ tịch nước ra quyết định đặc xá cho các phạm nhân có đủ điều kiện .
Công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hai cấp kiểm sát tỉnh Điện Biên đã thường xuyên phối hợp với cơ quan thi hành án, xác định rõ các trường hợp có điều kiện và không có điều kiện thi hành án để yêu cầu thi hành kịp thời các bản án có điều kiện thi hành, đồng thời tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động cưỡng chế thi hành án, hoãn thi hành án, thu, chi tiền thi hành án, qua đó phát hiện nhiều vi phạm của cơ quan, tổ chức, đơn vị thi hành án, ban hành nhiều kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
Về công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, Viện kiểm sát hai cấp đã tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; hạn chế thấp nhất không để xẩy ra tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, bảo đảm việc thi hành pháp luật ở các lĩnh vực này được thi hành nghiêm túc. Số lượng vụ, việc dân sự mà Viện kiểm sát hai cấp kiểm sát việc lập hồ sơ và tham gia phiên tòa được duy trì tốt. Qua công tác kiểm sát đã phát hiện nhiều vụ xét xử không đúng, đã ban hành văn bản kháng nghị, đồng thời kiên nghị với cơ quan, tổ chức có biện pháp phòng ngừa vi phạm.
Công tác gỉai quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc trách nhiệm của VKS được chú trọng, cùng với công tác tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm, công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo được chấn chỉnh, tăng cường cơ sở vật chất, cán bộ, đề ra nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Bên cạnh đó Viện kiểm sát hai cấp đã có nhiều biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, qua đó đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Về công tác xây dựng ngành: Trong hơn 5 năm qua VKSND tỉnh Điện Biên đã chú trọng đổi mới tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Hệ thống tổ chức của VKS hai cấp ngày càng được kiện toàn và củng cố. Thực hiện sâu rộng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức hoạt động, không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác kiểm sát. Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo cơ quan có những chiến lược đổi mới để xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp của Đảng và Nhà nước, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, có tác phong nghề nghiệp chuẩn mực theo lời Bác Hồ dạy đối với cán bộ Kiểm sát "Công minh - Chính trực - Khách quan - Thận trọng - Khiêm tốn".
Quản lý chặt chẽ quy trình: Báo cáo, thỉnh thị, kiểm tra, sơ kết, tổng kết trên cơ sở Kế hoạch và Chương trình công tác, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trong quy chế về thông tin báo cáo của ngành. Công tác Văn phòng tổng hợp và thống kê tội phạm làm tốt vai trò tham mưu giúp lãnh đạo trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được xây dựng cụ thể hàng năm theo Kế hoạch của VKSND tối cao và yêu cầu thực tế của đơn vị. Năm 2004 khi mới thành lập VKSND tỉnh Điện Biên có 83 người, trong đó có 30% số người có trình độ Đại học Luật, 63% số người có trình độ Cao đẳng kiểm sát. Đến nay đã có 92% số người có trình độ Cử nhân luật và chuyên môn khác, năm 2004 có 3 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị và 15 người có trình độ trung cấp chính trị, đến nay toàn tỉnh có 13 người có trình độ cử nhân và cao cấp chính trị, 77 người có trình độ trung cấp chính trị. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, kiểm sát viên và công chức trong đơn vị đã không ngừng học tập, tôi luyện, trở thành những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, hoàn thành suất xắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
Về cơ sở vật chất đã từng bước được củng cố, khắc phục tình trạng thiếu thốn, xuống cấp về trụ sở làm việc. Từ năm 2004 đến nay VKSND tối cao đã Quyết định cho đầu tư xây mới 3 trụ sở VKS cấp huyện (Viện kiểm sát Tủa Chùa, thành phố Điện Biên Phủ, Mường Nhé), cho nâng cấp, sửa chữa trụ sở VKSND tỉnh và VKS huyện Tuần Giáo, cấp kinh phí sửa chữa các trụ sở cấp huyện còn lại cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác. Cùng với việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo trụ sở, trong những năm qua VKSND tối cao cũng đã đầu tư phương tiện, trang thiết bị làm việc, đặc biệt là hệ thống thông tin, cơ yếu đã từng bước được trang bị hoàn thiện phục vụ cho nghiệp vụ kiểm sát và hoạt động lãnh đạo quản lý, chỉ đạo, điều hành trong ngành.
Kế thừa truyền thống của VKSND tỉnh Lai châu cũ và sự phấn đấu nỗ lực của VKSND tỉnh Điện Biên trong hơn những năm qua, VKSND tỉnh Điện biên đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý; Vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì cho VKSND tỉnh và VKSND thành phố Điện Biên phủ, có 3 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 (Văn phòng TH và TKTP; phòng THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm án an ninh, ma túy; VKS huyện Điện Biên), có 5 tập thể và 6 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu thi đua của VKSND tối cao của tỉnh Điện Biên và các tổ chức đoàn thể khác của Trung ương và địa phương.
Về kết quả hoạt động của các đoàn thể: Từ một Chi bộ trực thuộc với số ít đảng viên khi mới thành lập, đến nay. Viện kiểm sát tỉnh đã thành lập Đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Dân chính Đảng với 41 đảng viên, có 3 Chi bộ trực thuộc và 9 Chi bộ Viện kiểm sát cấp huyện. Cấp ủy đảng đã lãnh đạo đơn vị giữ vững sự ổn định về tư tưởng, đoàn kết, không có sự chia rẽ nội bộ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; tổ chức quán triệt kịp thời, nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, chỉ đạo các Chi bộ trực thuộc phối hợp với lãnh đạo đơn vị xây dựng Chương trình hành động thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh Điện Biên. Triển khai, thực hiện nghiêm túc cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã đạt được kết quả trong nhận thức và hành động. Liên tục 10 năm gần đây Đảng bộ luôn đạt "Đảng bộ trong sạch vững mạnh".
Đối với Công đoàn Viện kiểm sát tỉnh và VKSND huyện, thị, thành phố đã làm tốt chức năng giám sát, bảo vệ lợi ích của cán bộ, viên chức; hàng năm đều tổ chức Hội nghị viên chức, cùng với chính quyền thực hiện đầy đủ mọi chế độ, chính sách của Nhà nước, quy định của ngành đối với cán bộ, viên chức; nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về mối quan hệ đoàn kết nhất trí, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh nhiều năm liền.
Chi đoàn thanh niên thực hiện tốt phong trào "4 đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp", "5 xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc". Tiếp bước truyền thống vẻ vang, cách mạng của quê hương, đất nước, góp phần xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh. Liên tục nhiều năm liền giữ vững danh hiệu Vững mạnh xuất sắc, nhiều đoàn viên và tập thể Chi đoàn được Trung ương đoàn tặng bằng khen, nhiều đoàn viên trẻ được kết nạp để bổ sung nguồn cho đảng.
Hội phụ nữ thường xuyên truyên truyền ý nghĩa xây dựng và trưởng thành của Hội LHPN Việt Nam, biểu dương những cá nhân xuất sắc trong phong trào phụ nữ, khuyến khích phụ nữ phát huy tài năng, sáng tạo để góp phần xây dựng thành tích đơn vị; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đào tạo, bồi dưỡng phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các vị trí quan trọng của đơn vị, góp phần vì sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ ngành Kiểm sát và của tỉnh Điện Biên.
Hội Cựu chiến binh phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", tích cực phát huy những thế mạnh của thế hệ lớp người đi trước trong công tác, góp phần giáo dục lòng yêu nước và chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tự vệ cơ quan thực hiện tốt Kế hoạch huấn luyện hàng năm, thường xuyên trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với Bảo vệ giữ gìn trật tự trị an cơ quan và khu vực đơn vị đóng.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, so với yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp. VKSND tỉnh Điện Biên vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục đó là: Một số đơn vị, việc quản lý thông tin tội phạm có lúc còn chưa chặt chẽ, chưa làm tốt công tác kiểm sát điều tra dẫn đến nhiều vụ án phải gia hạn điều tra, tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung còn chiếm một tỷ lệ nhất định trong tổng số các vụ án kết thúc điều tra. Trong đó có nhiều vụ án Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ, vi phạm thủ tục tố tụng; một bộ phận nhỏ kiểm sát viên năng lực còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp; kiến thức về tin học, ngoại ngữ mặc dù có nhiều tiến bộ song còn bộc lộ nhiều hạn chế; chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh tế, kinh doanh thương mại và lao động chưa cao; công tác thi hành án còn nhiều tồn tại trong đó có trách nhiệm của Viện kiểm sát các cấp.
PHẦN II.NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
1.Những bài học kinh nghiệm:
Qua 50 năm xây dựng và trưởng thành của VKSND tỉnh Điện Biên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:
Một là, phải tiếp tục phát huy truyền thống của ngành kiểm sát trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những thành tựu trong các hoạt động kiểm sát. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010 định hướng 2020; Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành ở hai cấp Kiểm sát.
Hai là, phải thường xuyên bám sát và tuân thủ nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của VKSND tối cao, của các Cấp ủy Đảng, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp, sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành.
Ba là, phải luôn chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát thật sự trong sạch, vững mạnh, có trình độ, năng lực nghiệp vụ, dũng cảm đấu tranh bảo vệ pháp luật, có tinh thần, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp nhằm đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.
Bốn là, phải chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng, các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm. Đặc biệt là tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm tham nhũng buôn lậu, tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức và những vụ án gây bức súc trong dư luận.
Năm là, phải tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện những tồn tại trong các khâu công tác kiểm sát để có biện pháp khắc phục; kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống để xây dựng ngành kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Sáu là, phải có sự đoàn kết, nhất trí cao của toàn thể cán bộ công nhân viên chức trong toàn ngành.
2.Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
Trước tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến khó lường đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tăng trưởng kinh tế của nước ta. Các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng phải có các giải pháp góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, lãnh phí trong tất cả các lĩnh vực; xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc vi phạm, tội phạm; giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đảm bảo ổn định để phát triển đất nước. Hoàn thành các nhiệm vụ về cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Để thực hiện thành công các nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong giai đoạn hiện nay, ngành Kiểm sát phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tổ chức và hoạt động, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Hiấn pháp và Luật tổ chức VKSND, tập trung làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp:
VKS hai cấp phải tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nâng cao tính chủ động và vai trò thực hành quyền công tố, đảm bảo không để xẩy ra oan, sai, kho0ong bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Chú trọng việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm và giáo dục pháp luật như một công tác thường xuyên của các khâu công tác. Tăng cường công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bắt tạm giữ, tạm giam, không để xẩy ra việc bắt, tạm giữ, tạm giam trái pháp luật. Tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình và những việc khác theo quy định của pháp luật, đảm bảo cho các vụ việc được giải quyết chính xác. Thực hiện tốt mọi chỉ đạo của VKSND tối cao về tiếp tục kiện toàn về tổ chức và hoạt động về kiểm sát thi hành án để đáp ứng kịp thời những quy định mới về trách nhiệm của KSV trong công tác kiểm sát thi hành án. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế về công tác kiểm sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo Luật khiếu nại tố cáo nhằm đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là phục vụ tốt cho Đại hội đảng các cấp trong thời gian tới.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật XHCN: Ngành kiểm sát tỉnh Điện Biên tiếp tục thường xuyên giáo dục ý thức, bản lĩnh chính trị thấu suốt quan điểm của Đảng cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên vững vàng về chính trị, am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức, có tinh thấn trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp; thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu chung của ngành và công cuộc cải cách tư pháp; hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành kiểm sát phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", phấn đấu 100% cán bộ công nhân viên chức có trình độ Đại học trở lên; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho các đơn vị trong toàn ngành, phấn đấu đến 2015 tất cả các đơn vị trong toàn ngành KSND tỉnh Điện Biên có trụ sở khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hoạt động trong giai đoạn mới.
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Ngành Kiểm sát: VKSND hai cấp phải luôn tranh thủ được sự lãnh đạo của các Cấp ủy Đảng, gắn công tác xây dựng ngành với công tác xây dựng Đảng, chương trình, kế hoạch công tác hàng năm phải bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, chủ động tham mưu, đề xuất cho cấp ủy Đảng về công tác pháp chế. Củng cố, kiện toàn, nâng cao hoạt động của Ban cán sự Đảng, xây dựng Đảng bộ, Chi bộ trong sạch vững mạnh, làm tốt công tác nhân sự của Ngành kiểm sát cho Đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới.
Thứ tư, chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước, trước hết là cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm sát, nhất là thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp: Phối hợp với các cơ quan tố tụng tổng kết việc thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự, đề xuất, sửa đổi, bổ sung toàn diện Bộ luật, nhằm đảm bảo cho pháp luật tố tụng hình sự được dân chủ, minh bạch, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, theo đó tăng cường trách nhiệm của Lãnh đạo và KSV trong hoạt động điều tra xử lý các vụ án hình sự, bảo đảm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.
CÁC ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO VKSND TỈNH ĐIỆN BIÊN QUA CÁC THỜI KỲ
|